Thị trường Tết chưa thể yên tâm về giá

Diễn biến bất thường của dịch Covid-19 với sự gia tăng nhanh chóng số ca dương tính và quá trình lây nhiễm bị rút ngắn khiến việc bình ổn thị trường gặp...

 

Đến thời điểm này, các chương trình bình ổn giá, tăng nguồn cung, kiểm soát hàng lậu, hàng giả đã được triển khai rộng khắp. Tuy nhiên, diễn biến bất thường của dịch Covid-19 với sự gia tăng nhanh chóng số ca dương tính và quá trình lây nhiễm bị rút ngắn khiến việc bình ổn thị trường gặp nhiều khó khăn.

Điểm qua thị trường, thịt lợn vẫn là mặt hàng có nguy cơ đội giá nhiều nhất do đã mất cả năm 2019 dịch tả lợn châu Phi hoành hành. Năm 2020 khi dịch tả lợn được khống chế thì lại xảy ra đại dịch Covid-19 làm nguồn cung lợn giống, thức ăn chăn nuôi, vaccine... không thuận lợi do thương mại quốc tế bị hạn chế. Dù các cơ quan chức năng đã có những giải pháp cụ thể, bao gồm cả nhập khẩu lợn thịt và thịt lợn từ Nga, Thái Lan về, nhưng giá thị lợn chỉ giảm ít, vẫn cao hơn so với mức giá bình quân những năm trước và so với mặt bằng giá chung của các loại nông sản khác.

Việc bình ổn thị trường gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19

Trong khi đó, các nông sản thực phẩm tươi sống khác giá có thể sẽ chỉ tăng trong khoảng thời gian ngắn do nhu cầu dịp cận Tết, nhưng sẽ không quá đột biến và không neo ở mức giá cao trong thời gian dài như thịt lợn, do nguồn cung không khan hiếm và nhu cầu của người dân đối với thịt bò, thịt gà, cá, tôm... không cao và thường xuyên như đối với thịt lợn.

Trước Tết 1 tháng có thông tin doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu gạo giá rẻ từ Ấn Độ đã khiến một bộ phận người dân lo ngại: liệu có mất an ninh lương thực, khan hiếm gạo do đại dịch Covid-19 hay không? Tuy nhiên, thông tin kịp thời từ các chuyên gia và cơ quan chức năng cũng như doanh nghiệp đã giúp người dân giải tỏa mối lo đó. Đây chỉ là doanh nghiệp nhập khẩu giá rẻ về để chế biến nhằm giảm giá thành sản phẩm chứ không phục vụ mục đích tiêu thụ nội địa, phục vụ dân sinh. Chuyện nhập khẩu để phục vụ nhu cầu chế biến vẫn thường xảy ra với các ngành sản xuất trong nước như muối, đường, thép xây dựng do nhu cầu chế biến của doanh nghiệp có những tiêu chuẩn khác với sản phẩm sản xuất trong nước. Do đó, việc cần quan tâm là tiếng nói chung giữa doanh nghiệp chế biến và nhà sản xuất, chứ không quá lo ngại về việc nhập khẩu một lượng gạo, đường, muối nhất định.

Dịch bệnh khiến cho người dân hạn chế tụ tập đông người, hạn chế mua sắm bên ngoài, đã trở thành cơ hội cho thương mại điện tử, thanh toán điện tử phát triển. Thượng vàng hạ cám đều có thể tìm thấy trên các chợ điện tử Shopee, Lazada, Sendo, Tiki, đặc biệt là Facebook. Do đó, giá cả hàng hóa càng khó kiểm soát khi cơ quan quản lý chưa có công cụ đủ mạnh. Song hành với giá cả là mối lo ngại về chất lượng hàng hóa. Càng gần Tết càng có nhiều dấu hiệu lộn xộn trong hoạt động mua bán online. Đây là vấn đề cần được tăng cường quản lý để người dân yên tâm mua sắm Tết, người kinh doanh có thu nhập và Nhà nước không thất thu./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận