Bao giờ chấm dứt những 'bất cập' trong cuộc đua vào lớp 10 trường công?

Kỳ thi vào lớp 10 trường công lập được đánh giá là cuộc đua căng thẳng hơn thi đại học, đặc biệt ở các thành phố lớn. Từ đây nảy sinh những tiêu cực, căng thẳng

 

Bài 1: Ép buộc, tước quyền thi vào lớp 10 là phạm luật

Để bảo vệ "thương hiệu" của mình, một số trường THCS đã dùng mọi “chiêu trò” để loại bỏ nhưng học sinh yếu ra khỏi cuộc đua vào lớp 10 trường công lập, cho dù Sở GD-ĐT, Bộ năm nào cũng có chỉ đạo chấn chỉnh tình trạng này.

           Muôn kiểu ép bỏ thi vì thành tích

Năm học 2024-2025, tại TP.HCM, Hà Nội hay Nghệ An, số lượng học sinh (HS) lớp 9 thi vào lớp 10 tăng hàng nghìn em khiến cuộc đua càng nóng hơn. Do chỉ tiêu vào các trường công lập ở các thành phố lớn chỉ có khoảng  60-70% nên số học sinh còn lại sẽ không có cơ hội vào học lớp 10 trường công lập, phải chuyển sang các trường ngoài công lập hoặc học trường nghề. Điều này không chỉ gây áp lực với HS mà ngay cả các trường THCS cũng lo giữ tỉ lệ đỗ trường công cao. Từ đây, nhiều vấn đề tiêu cực nảy sinh khiến dư luận xã hội bức xúc.

Tại Hà Nội, cách đây ít ngày, một số phụ huynh phản ánh về việc con học lớp 9 tại Trường THCS An Thượng (huyện Hoài Đức) được nhà trường yêu cầu viết đơn theo mẫu xin không tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập năm học 2024-2025 với lý do đưa ra là sức học của các em này không được tốt. Thậm chí, theo phản ánh của báo chí, một số phụ huynh HS lớp 9 Trường THCS Tiến Thịnh (Huyện Mê Linh) còn cho biết, con họ nằm trong số HS không được phát tờ đơn đăng ký dự thi vào thời điểm Sở GD-ĐT quy định. Đến đầu tháng 5 gia đình mới “té ngửa” là con mình không có tên trong danh sách đăng ký dự thi. Một số phụ huynh (xin giấu tên) cũng cho hay, trước thời điểm nộp đơn đăng ký dự thi vào lớp 10 năm nay, giáo viên chủ nhiệm liên tục "khủng bố" tinh thần phụ huynh bằng cách nêu kết quả học tập của con không tốt và gợi ý, đề nghị con không nên đăng ký dự thi mà nên theo học các trường nghề.

Tại Trường THCS Nguyễn Văn Bứa, huyện Hóc Môn, TP.HCM, giáo viên phát đơn "xin không tham gia thi tuyển sinh lớp 10" cho HS điền tên khiến nhiều HS và phụ huynh bức xúc. Không chỉ ở các thành phố lớn mà ở Nghệ An, một số phụ huynh HS ở Trường THCS Tiến Thiết và Nghi Quang (huyện Nghi Lộc) cũng phản ánh, con của họ không được đi ôn thi từ lớp 9 lên lớp 10.

Vấn đề này cũng thu hút nhiều ý kiến phụ huynh trên các diễn đàn xã hội, nhiều vị phụ huynh bức xúc chia sẻ các “chiêu” ép HS bỏ thi vào lớp 10 của các trường. Chị Nguyễn Thùy Linh (Hà Nội) cho biết: “Mấy tuần nay mình nghe các phụ huynh bắt đầu chia sẻ việc các con bị định hướng kiểu ép buộc như thế này. Các con mỗi ngày đến trường lại nghe cô ca bài chê con dốt, kém... gia tăng áp lực lên các con, rất khổ cho các con. Thậm chí, cô dùng lời lẽ khó nghe, mạt sát các con. Vì áp lực thi cử, cộng áp lực từ giáo viên nữa, nhiều con đã bỏ cuộc đó. Nếu vẫn không viết đơn từ chối thi thì sẽ buộc phải chuyển trường”.

Giành suất vào lớp 10 trường công căng thẳng hơn đại học.

Ngăn cấm HS đăng ký dự thi là vi phạm pháp luật

Anh Nguyễn Thanh Hà (TP.HCM) cũng cho rằng: “Là người trong cuộc, tôi nhìn thấy sự thật nghiêm trọng hơn như vậy. Áp lực đổ xuống đầu HS và gia đình trong chính mùa thi đang trở thành sức ép tinh thần với các em, tệ hơn nữa là chặn đứng cơ hội lựa chọn tiếp cận giáo dục của HS. Động cơ phía sau của giáo viên và nhà trường không có gì khó để lý giải: Tỷ lệ % HS đậu vào trường công lập là một loại thành tích của trường, nếu tỉ lệ HS đỗ công lập thấp sẽ ảnh hưởng lớn đến thu nhập của giáo viên do bị cắt thi đua, cắt thưởng. Vì những điều đó mà những người làm giáo dục đã ép HS bằng mọi giá. Đó là gốc của vấn đề, nó cần phải được giải quyết triệt để, nếu không tình trạng này còn tái diễn...”.

Là một người thầy có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực quản lý, ôngNguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng THCS & THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) cho rằng: “Sở không có quy định về việc đánh giá thi đua kết quả thi vào lớp 10, tuy nhiên kỳ thi vào lớp 10 ở các thành phố lớn luôn áp lực, căng thẳng bởi với các trường kết quả đó chính là “thương hiệu” và hơn nữa nó có tác động lớn đến việc tuyển sinh. Như vậy mỗi giáo viên và nhà trường đều chịu áp lực vô hình. Do đó thay vì tư vấn một cách khách quan, công tâm vì HS thì một số cơ sở giáo dục, một số giáo viên chủ nhiệm do áp lực thành tích nên tư vấn sai, thậm chí tìm cách ép không cho HS tham gia thi vào lớp 10 vì sợ ảnh hưởng thành tích. Hiện tượng này vẫn diễn ra nhiều năm nay, đặc biệt ở các tỉnh thành phố lớn khi mà áp lực thi vào 10 ngày càng tăng”.

Bà Nguyễn Thị Việt Nga, ĐBQH tỉnh Hải Dương cũng cho biết: “Tôi thấy dư luận phản ánh một số trường ở miền Bắc, miền Trung, miền Nam đều có hiện tượng này, có nghĩa là tình trạng diễn ra tương đối phổ biến và HS bị ép buộc với nhiều hình thức khác nhau. Có những trườngTHCS không phát phiếu dự thi vào lớp 10 cho HS lớp 9 có học lực yếu, hoặc giáo viên yêu cầu phụ huynh và HS ký bản cam kết là không dự thi, thậm chí, không tổ chức lớp học ôn thi cho HS có học lực kém... Theo tôi, tất cả những hành vi đấy đều là những hành vi ép buộc HS từ bỏ quyền được thi vào lớp 10 THPT công lập”.

Theo bà Nguyễn Thị Việt Nga, đó là hành vi vi phạm, bởi theo Thông tư 03/2019 của Bộ GD-ĐT về quy chế tuyển sinh THCS và THPT có quy định, HS tốt nghiệp THCS được quyền tham gia tuyển sinh vào lớp 10 THPT mà không có ai được quyền ngăn cản hay tước đoạt quyền đó dưới bất kỳ hình thức nào. Thông tư 32/2020 của Bộ GD-ĐT quy định về quyền lợi của HS ghi rõ, HS được bình đẳng trong việc hưởng thụ giáo dục toàn diện. Thế nhưng thực tế, một số trường lại phân chia ra những em được tham dự thi và những em không được tham dự thi vào lớp 10. “Như vậy là có sự bất bình đẳng trong việc hưởng thụ giáo dục toàn diện đối với HS. Đối chiếu với các quy định của pháp luật thì đây là những hành vi vi phạm”, bà Nga khẳng định.

Cùng quan điểm trên, các chuyên gia giáo dục cũng khẳng định, thi lớp 10 là quyền lợi của tất cả HS sau tốt nghiệp THCS và là kỳ thi do Nhà nước tổ chức. Điều 13 Luật Giáo dục năm 2019 đã quy định: Học tập là quyền và nghĩa vụ của công dân. Nhà nước thực hiện công bằng xã hội trong giáo dục, tạo môi trường giáo dục an toàn, bảo đảm giáo dục hòa nhập, tạo điều kiện để người học phát huy tiềm năng, năng khiếu của mình. Vì vậy, việc ngăn cấm không cho HS đăng ký dự thi vào lớp 10 công lập dù dưới hình thức nào thì cũng đều vi phạm pháp luật.

Cần đánh giá thực chất và vì quyền lợi HS

Dù Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT các địa phương năm nào cũng có chỉ đạo, chấn chỉnh, xử lý nghiêm hiện tượng ép HS không thi vào lớp 10 công lập nhưng tình trạng này vẫn tái diễn từ năm này qua năm khác, nguyên nhân do đâu và dường như chưa có trường nào bị xử lý nghiêm?

Để ngăn chặn vấn nạn trên, nhiều giải pháp mấu chốt đã được đưa ra, ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga nêu quan điểm: Theo tôi, phân luồng HS là một chủ trương rất đúng nhưng nếu chúng ta phân luồng kiểu này sẽ phản tác dụng. Bởi rõ ràng chúng ta cứ mặc định là HS học kém thì vào các trường nghề hoặc vào các trường ngoài công lập. Một sự mặc định vô cùng nguy hiểm, nó khiến cho các em coi học nghề là một sự lựa chọn bất đắc dĩ và đó không phải là sự lựa chọn nữa mà chỉ bước đường cùng mới vào trường nghề trong khi chúng ta đang cố gắng nỗ lực để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và nâng cao chất lượng của giáo dục nghề nghiệp. Mặc khác, HS sẽ không yên tâm khi học các trường giáo dục nghề nghiệp vì nghĩ rằng nó không có tương lai và các em bị dán nhãn là học kém mới vào giáo dục nghề nghiệp. Và nếu như chúng ta quan niệm HS giỏi mới được quyền thi vào trường công lập thì đương nhiên ngầm thừa nhận với nhau rằng hệ thống giáo dục ngoài công lập không đảm bảo chất lượng”.

Bà Việt Nga đề xuất, chúng ta vẫn phải tiếp tục phân luồng HS, định hướng HS, định hướng nghề nghiệp, giáo dục nghề nghiệp cho HS sao cho có hiệu quả và hiệu quả đầu tiên phải đến từ việc chúng ta thay đổi nhận thức. Trước tiên sự thay đổi nhận thức từ chính chất lượng đội ngũ giáo dục, có nghĩa là những thầy cô làm công tác phân luồng HS, làm công tác tư vấn HS phải hiểu rất rõ về tất cả mọi quy định để làm sao có sự tư vấn tốt nhất cho phụ huynh và cho HS, chứ không phải là ép buộc. Tiếp đến, cần thay đổi nhận thức của phụ huynh và HS khi mà hiện nay đa phần nhận thức rằng vào đại học là con đường duy nhất có tương lai. Nếu tư tưởng này còn tồn tại thì giáo dục nghề nghiệp không phát triển được và ngành giáo dục không thể phân luồng HS có hiệu quả.

TS Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý giáo dục Việt Nam đề xuất, trước hết, các tỉnh, thành cũng như các sở GD-ĐT nên bỏ hẳn hoặc không nhắc đến kết quả đỗ lớp 10 công lập và điểm thi lớp 10 của các nhà trường trong báo cáo hay trong các cuộc họp. Điều quan trọng, theo ông Lâm, cốt lõi, đó là phải thực chất hơn trong dạy, học và kiểm tra đánh giá, tiến tới học thật, thi thật.

Ở một khía cạnh khác, thầy Nguyễn Quốc Bình cho rằng, hiện nay toàn ngành giáo dục đang thực hiện chuyển đổi số, vậy để ngăn chặn tình trạng trên thì ngành có thể xây dựng ứng dụng phần mềm để HS chủ động đăng ký trực tiếp lên hệ thống chung như kỳ thi tốt nghiệp THPT, khi đó giáo viên hay nhà trường có muốn tác động vào HS cũng không được”./.

 

 “Mặc dù Bộ GD-ĐT, các sở đã chỉ đạo nghiêm cấm hành vi ép không thi vào lớp 10 công lập nhưng một số cơ sở giáo dục vẫn vi phạm ở những mức độ khác nhau gây bức xúc cho HS, phụ huynh. Trong quá trình học các em có quyền được thi, được đánh giá, nhưng một số giáo viên, nhà trường đã can thiệp thô bạo vào nguyện vọng chính đáng này. Chúng ta nên tôn trọng và tạo điều kiện để các em tham gia dù kết quả như thế nào. Mong rằng năm học tới khi tất cả các cấp đều thực hiện chương trình GDPT 2018 thì chúng ta phải thay đổi toàn diện hơn các kỳ thi, kiểm tra đánh giá vào lớp 10”.Ông Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng THCS & THPT Lương Thế Vinh.

 

“Các con chỉ mới 15 tuổi không đi học cấp 3 thì biết làm gì?. Tuổi này còn quá nhỏ để biết xác định nghề nghiệp tương lai. Hãy để các con tận dụng tất cả cơ hội để tiếp tực học tập và  theo tôi đây cũng là khoảng thời gian phát triển tư duy và nhận thức của các con. Học hết cấp 3 lên đại học thì các con mới có tương lai rộng mở. Mặt khác, các ngành nghề hiện nay của các trường đào tạo nghề còn chưa hấp dẫn...”. Chị Nguyễn Thu Hà (Hà Nội)

“Đa phần nhận thức của các gia đình rằng vào đại học là con đường duy nhất có tương lai. Học hết lớp 9 mà không vào được trường công lập, không học hết cấp ba, không vào được đại học thì đấy là con đường không có tương lai. Chúng ta phải thay đổi nhận thức này. Chúng ta thực hiện phân luồng HS từ sớm ngay sau khi các em tốt nghiệp THCS. Nhưng với những tư tưởng vẫn còn tồn tại như thế này thì giáo dục nghề nghiệp không phát triển được và chúng ta không thể phân luồng HS”, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga   

 

 


 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận