Dạy học trên truyền hình như thế nào cho hiệu quả?

Dạy học trên truyền hình đang được một số địa phương triển khai để khắc phục tình trạng học sinh nghỉ học dài. Vậy làm thế nào để việc dạy học này có hiệu quả?

 

Tăng cường tính tương tác trong mỗi tiết học

Dạy học trên truyền hình đang là giải pháp chủ động ứng phó của một số địa phương hiện nay trước việc học sinh (HS) nghỉ dài ngày, giúp HS chủ động học tập trong thời gian nghỉ học chờ hết dịch. Ngày 9/3, Sở GD-ĐT Hà Nội phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội triển khai mô hình dạy học trên truyền hình với lớp 9 và lớp 12. Chương trình góp phần củng cố kiến thức, kỹ năng phục vụ cho các kỳ thi tuyển sinh và THPT Quốc gia. HS lớp 9 sẽ học Ngữ văn, Toán và Tiếng Anh. Học sinh lớp 12 sẽ học Ngữ văn, Toán, Vật lý, Hoá học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân và Tiếng Anh. Địa phương đầu tiên phát sóng chương trình dạy trực tuyến thông qua sóng truyền hình từ 17/2 là Sở GD-ĐT Đồng Nai, phối hợp Đài Phát thanh - Truyền hình Đồng Nai thực hiện. Sau đó đến Sở GD-ĐT Nam Định, Sở GD-ĐT Vĩnh Long, TP.HCM…

Ông Kiều Văn Hưng, Trưởng phòng Giáo dục phổ thông, Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết: Toàn bộ bài giảng trên truyền hình là những bài giảng mới, được xây dựng tiếp nối với các bài học mà các em đã học trước khi nghỉ học để phòng, chống dịch Covid-19. Cụ thể, xây dựng nội dung, thiết kế bài giảng bảo đảm các yêu cầu về chuẩn kiến thức, kỹ năng theo chương trình của Bộ GD-ĐT.

Không chỉ dạy học trên truyền hình ở các địa phương, ngày 6/3/2020, Hệ thống Giáo dục Học Mãi phối hợp với Đài truyền hình kỹ thuật số VTC (thuộc Đài TNVN) ra mắt chương trình “Lớp học không khoảng cách”, nhằm hỗ trợ HS bậc phổ thông học tập trong thời gian phòng dịch Covid-19. Chương trình “Lớp học không khoảng cách” được phát trên kênh VTC11, VTC8, và ứng dụng VTC trên các khung giờ 9h00 - 9h30 (lớp 5), 14h00 - 14.30 (lớp 9), 16h00 - 16h30, 20h00 - 21h30 (lớp 11). Các bài giảng được thiết kế bám sát với chương trình giáo dục hiện hành dành cho HS bậc phổ thông, do đội ngũ giáo viên uy tín, giàu kinh nghiệm đứng lớp. Đáng nói là, chương trình phát sóng hoàn toàn miễn phí trên sóng truyền hình phủ sóng toàn quốc. Do đó, HS vùng núi, vùng sâu vùng xa cũng đều được tiếp cận với những bài giảng hữu ích. Sau thời gian thử nghiệm hết tháng 3/2020, Học Mãi và VTC sẽ tiếp tục tối ưu hóa để chương trình trở nên thiết thực hơn cho học sinh trên cả nước.

Thầy Nguyễn Tùng Lâm (Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội) cho rằng, Hà Nội và một số tỉnh hiện bắt đầu triển khai và tập trung cho 2 khối lớp 9 và lớp 12 là cần thiết vì còn liên quan đến tuyển sinh. Tuy nhiên, dạy học truyền hình hiện vẫn theo lối độc diễn - phương thức truyền tải cũ kém hiệu quả, do đó cần phải có học sinh để giao lưu với thầy giáo thì lớp học sẽ hiện thực hơn, hấp dẫn HS hơn. Lớp học có thể tập trung cả học sinh yếu, trung bình, khá giỏi… để các em có thể thảo luận, đưa ra những câu hỏi thắc mắc đối với giáo viên. Cùng với việc dạy học thì truyền hình nên có hệ thống nhận câu hỏi online và đẩy câu hỏi lên như truyền hình trực tiếp, sẽ rất hiệu quả. Với HS lớp bé, cần có thêm phương thức khác hỗ trợ như bố mẹ, thầy cô phải cùng phối hợp.

Phụ huynh Phạm Bích Nguyệt (Hà Nội) cho rằng: Việc Hà Nội dạy học trên truyền hình là hoàn toàn hợp lý, nhất là khi kỳ thi đang đến gần. Sau lớp 9 và lớp 12, nên áp dụng cho các lớp khác nữa. Sau này chỉ tổ chức thi, không cần dạy bù, vừa đỡ tốn thời gian, giảm thiểu thiệt hại. Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT nên sớm thống nhất đưa ra phương án cho thầy cô dạy, ôn tập cho các học sinh các cấp sao cho hợp lý, nhất quán và hiệu quả…

Trên thực tế khi dịch Covid-19 xảy ra, một số nơi có triển khai dạy học trực tuyến nhưng kết quả đó cũng không được công nhận. Học sinh vẫn phải học bù đầy đủ thời gian đã nghỉ học. Rõ ràng, đã đến lúc, Bộ GD-ĐT cần tính toán để có cơ sở đánh giá việc học từ xa, kèm với đó là công nhận kết quả dạy và học theo cách này.

Cần tăng tính tương tác trong mỗi tiết học để đạt hiệu quả cao trong dạy học.

Bộ cần có chỉ đạo thống nhất

Ngày 6/3, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã có văn bản chỉ đạo Bộ GD-ĐT, nêu rõ, Bộ GD-ĐT xét kiến nghị của Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam và Hiệp hội Vì giáo dục cho mọi người Việt Nam tại văn bản số 07/HH-VP đề ngày 2/3/2020 về việc kiến nghị khẩn cho các trường triển khai phương thức giáo dục từ xa trong mùa dịch Covid-19.

Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam và Hiệp hội Vì giáo dục cho mọi người Việt Nam cũng xin kiến nghị Thủ tướng sớm có quyết định chỉ thị cho Bộ GD-ĐT phối hợp cùng Bộ Thông tin và Truyền thông, Truyền hình Việt Nam và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố khẩn trương bàn bạc để lên kế hoạch triển khai việc dạy học từ xa, trước hết là dạy học qua truyền hình ở quy mô toàn quốc, cho khối giáo dục phổ thông trước ngày học sinh đến trường đại trà như quyết định của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT. Đồng thời, chỉ thị cho Bộ công nhận kết quả học trực tuyến của các trường đã chủ động triển khai nghiêm túc trong đợt dịch vừa qua.

Trước vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ cũng nêu rõ: Giao Bộ GD-ĐT nghiên cứu tiếp thu các kiến nghị của Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam tại văn bản nêu trên trong quá trình chỉ đạo, điều hành ngành giáo dục ứng phó với diễn biến của dịch Covid-19; báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền.

Một chuyên gia giáo dục cho rằng, việc dạy học trên truyền hình là khá hiệu quả, học sinh đã có những phản hồi tích cực khi tham gia học. Tuy nhiên để tăng tính tương tác, bên cạnh việc dạy học trên truyền hình thì hệ thống các trường phải có chỉ đạo để tham gia phối hợp cùng. Cụ thể, các thầy cô cũng nghe các bài giảng đó để nắm chắc, sau đó đóng vai trò trợ giảng để giải đáp thắc mắc cho HS và có biện pháp phối hợp với cha mẹ HS để kiểm tra việc học./.

 

“Để đảm bảo quyền lợi học tập của HS trong đợt nghỉ dài, Bộ sẽ yêu cầu các đơn vị tăng cường hướng dẫn địa phương và các trường xây dựng chương trình dạy học từ xa có chất lượng, làm rõ nội dung có thể dạy và học từ xa và phương thức triển khai cho từng nhóm đối tượng, đặc biệt là cho HS vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Các trường sư phạm được giao nhiệm vụ hỗ trợ nguồn học liệu cho các địa phương và cơ sở giáo dục để triển khai việc dạy và học từ xa một cách bài bản…”-Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ

* “Trong công văn của Hiệp hội cũng đề nghị, Bộ GD-ĐT cần chỉ đạo tới hệ thống các sở GD-ĐT, bởi nếu Bộ chưa lên tiếng họ không dám làm vì Bộ không cho phép dạy trước chương trình. Nhưng nếu dạy mà ôn lại bài cũ thì sau này vẫn mất thời gian học bù. Vì thế, Bộ phải có những điều chỉnh cho phù hợp với tình hình nghỉ học dài hiện nay. Như phương án của Hà Nội là dạy luôn kiến thức mới sẽ hiệu quả hơn, tiết kiệm thời gian hơn”.- TS Lê Viết Khuyến (thành viên Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam)

* “Khác biệt lớn nhất của việc dạy qua truyền hình so với dạy học truyền thống là lớp học không có học sinh. Giáo viên là người độc thoại. Vì vậy, chúng tôi phải soạn giáo án rất kỹ để không có thời gian “chết”, bài giảng cũng phải chi tiết, tỉ mỉ hơn để học sinh dễ dàng theo dõi. Sau buổi phát sóng đầu tiên, đa số các em học sinh thể hiện sự phấn khởi, hào hứng với phương pháp học mới”.- Cô Quang Thị Hoàn (giáo viên môn Tiếng Anh, trường THCS Đống Đa, Hà Nội)- người đã có buổi lên lớp qua truyền hình đầu tiên với các em học sinh lớp 9.

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận