Cơ hội thúc đẩy phát triển kinh tế ở Thành phố Hồ Chí Minh

Hai lĩnh vực được đánh giá mang lại cơ hội thúc đẩy phát triển kinh tế ở TP.HCM giai đoạn tới là dịch vụ hàng hải và phát triển trung tâm tài chính quốc tế.

 

          Có hai lĩnh vực được đánh giá mang lại nhiều cơ hội thúc đẩy phát triển kinh tế ở Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) giai đoạn sắp tới là dịch vụ hàng hải với việc xây dựng cảng nước sâu quốc tế Cần Giờ và phát triển trung tâm tài chính toàn cầu.

          Việc xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ (cảng Cần Giờ) đã được TP.HCM và Bộ Giao thông vận tải nêu ra đã lâu. Tuy nhiên, do còn nhiều vướng mắc nên dự án này vẫn đang ở giai đoạn phân tích, thảo luận. Quan điểm phát triển của TP.HCM là không làm cảng Cần Giờ bằng mọi giá, bất chấp và bỏ qua các tác động thấy rõ. Tuy nhiên, cũng tránh xu hướng lo ảnh hưởng đến khu dự trữ sinh quyển mà không nghiên cứu rõ tác động tới đâu, không dám làm gì. Cần xem xét việc phát triển cảng Cần Giờ trong bối cảnh chung của thành phố, của vùng, của đất nước.

Phối cảnh cảng Cần Giờ

          Ở góc độ vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, cảng Cần Giờ phù hợp với mô hình một cảng trung chuyển quốc tế tầm khu vực và thế giới. Tuy nhiên, để có thể thực sự trở thành một cảng trung chuyển quốc tế như Singapore thì cần cả hệ thống thiết bị hiện đại, phù hợp tiêu chuẩn quốc tế cũng như thủ tục hành chính, cơ chế chính sách phù hợp, thông thoáng. Cảng Cần Giờ hình thành sẽ giúp TP.HCM giữ vững vai trò trung tâm logistics của khu vực và châu Á, đưa Việt Nam đứng hàng đầu về vận tải biển; đồng thời đóng góp nguồn thu ngân sách, tạo công ăn việc làm cho nhiều người, thúc đẩy hoàn thiện cơ sở hạ tầng xung quanh, thu hút thêm các doanh nghiệp lớn...

Phối cảnh cảng Cần Giờ

          Trong gần 5 năm qua, có một ý tưởng được các chuyên gia tài chính quan tâm, đó là biến TP.HCM trở thành một trung tâm tài chính toàn cầu như Hong Kong, Singapore, Thượng Hải... Theo các chuyên gia, TP.HCM cần chuẩn bị sẵn sàng nguồn lực để đạt được điều đó. Trước hết là những cao ốc có thể tập trung tất cả các cơ sở kinh doanh tài chính cũng như các ngành nghề dịch vụ liên quan đến tài chính, các ngân hàng, công ty tài chính, công ty bảo hiểm, sàn giao dịch chứng khoán... Điều quan trọng nữa là hệ thống tài chính của Việt Nam tăng trưởng một cách mạnh mẽ, thu hút được sự quan tâm, tham gia hoạt động của các ngân hàng và tập đoàn tài chính lớn quốc tế. Đồng thời, những yếu tố pháp lý liên quan đến tài chính, ngân hàng phải được cải tiến để giao dịch thuận lợi; có sự chuẩn bị nguồn nhân lực trong lĩnh vực tài chính và pháp lý có tính chuyên nghiệp, có trình độ, dày dạn kinh nghiệm, giỏi ngoại ngữ và tin học để đáp ứng yêu cầu của một trung tâm tài chính quốc tế.

TPHCM có nhiều tiềm năng trở thành trung tâm tài chính toàn cầu

          Nghị quyết 98 của Quốc hội cho phép TP.HCM cơ chế ưu đãi về miễn thuế thu nhập cá nhân trong vòng 5 năm đối với lao động chất lượng cao. Đồng thời khuyến khích TP.HCM ưu tiên thu hút các nhà đầu tư chiến lược để xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D); đầu tư nghiên cứu và hỗ trợ chuyển giao công nghệ cao trong lĩnh vực có hàm lượng tri thức cao với quy mô lớn. Đây là cơ sở để Thành phố có những quyết sách lớn hướng tới tương lai./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận