'Trạm xăng dầu của thế giới' hay chuyện về một 'thế lực tài nguyên'

Nga là quốc gia mệnh danh là 'Trạm xăng dầu của thế giới' bởi trữ lượng tài nguyên xăng dầu mà nhiều quốc gia khác không có được.

 

Nga không chỉ là quốc gia có diện tích lớn nhất thế giới mà còn được mệnh danh là “Trạm xăng dầu của thế giới” bởi trữ lượng tài nguyên xăng dầu mà nhiều quốc gia khác không có được. Cũng chính bởi trữ lượng xăng dầu rất lớn này mà nước Nga từ lâu được ngầm xem là “một thế lực tài nguyên” mà nhiều cường quốc phải e dè.

Chiếm khoảng 6% trữ lượng dầu và 20% khí đốt tự nhiên toàn cầu

Đó là những con số được Trading Economics đưa ra hồi năm 2021. Còn theo nhiều dữ liệu khác, con số này lên tới 7%, thậm chí có tài liệu cho là đến 10%. Cũng theo Trading Economics, Tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga là nhà cung cấp khí đốt tự nhiên hàng đầu thế giới với đội ngũ nhân viên khoảng 400.000 người. Năm 2021 vừa qua, xuất khẩu của Nga đạt tổng cộng 493,3 tỷ USD, thì năng lượng chiếm tới hơn một nửa (59,3%).

Trước đó, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cũng đưa ra thông tin khẳng định: Năm 2020, Nga là nhà sản xuất dầu mỏ và chất lỏng khác lớn thứ ba thế giới (sau Mỹ và Saudi Arabia). Nga cũng là nhà sản xuất khí tự nhiên lớn thứ hai (sau Mỹ). Báo cáo của EIA cũng cho biết: Châu Âu là thị trường chính của Nga về xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt tự nhiên. Nga là nhà cung cấp dầu và khí đốt tự nhiên chính cho châu Âu, trong đó, Đức là khách hàng lớn nhất của Nga, tiếp theo là Italy và Pháp.

Tổng thống Nga Vladimir Putin ký tên trên một đường ống dẫn khí đốt tại Vladivostok, Nga vào năm 2011. (Ảnh: AFP)Theo nhiều tài liệu, châu Âu nhận khoảng 40% khí thiên nhiên và 25% dầu mỏ từ Nga. Châu Á chiếm 26% kim ngạch xuất khẩu dầu thô của Nga vào năm 2014, trong đó Trung Quốc và Nhật Bản chiếm một phần ngày càng tăng trong tổng lượng xuất khẩu của Nga. Nhật báo tài chính Mỹ Wall Street Journal thì cho biết, EU hiện đang thanh toán cho Nga mỗi ngày khoảng 660 triệu Euro, tương đương 722 triệu USD để mua khí đốt. Mới đây nhất, ngày 8/3, Văn phòng Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã phải lên tiếng thừa nhận: "Việc nhập khẩu dầu và khí đốt từ Nga có tầm quan trọng thiết yếu đối với việc cung cấp các dịch vụ công cộng và đảm bảo cuộc sống hàng ngày của người dân ở châu Âu”.

Mới đây, khi cuộc xung đột Nga-Ukraine xảy đến, bên lề Diễn đàn các nước xuất khẩu khí đốt diễn ra tại thủ đô Doha của Qatar ngày 22/2, Bộ trưởng Năng lượng Qatar Saad Al-Kaabi đã nêu rõ: Nga chiếm 30-40% nguồn cung khí đốt cho châu Âu. Không quốc gia nào có thể thay thế Nga làm được điều này...

Cách đây gần một năm, Bộ trưởng Tài nguyên Nga Alexander Kozlov ngày 11/5/2021 đã cho biết trữ lượng dầu của nước này, ở mức sản lượng hiện nay, đủ cung cấp trong 59 năm và khí đốt tự nhiên là 103 năm. Còn theo Cục trưởng Cục Tài nguyên Nga Evgeny Kiselev, trữ lượng dầu của Nga đủ cho 58 năm và rằng Nga có đủ khí đốt cho hơn 60 năm trong bất kỳ kịch bản phát triển kinh tế nào. Trữ lượng dầu được kiểm chứng của Nga tính đến tháng 1/2015 là 80 tỷ thùng. Trong năm 2014, Nga sản xuất ước tính khoảng 10,9 triệu thùng xăng dầu/ngày. Còn theo báo cáo ngày 2/5 của hãng Interfax, sản lượng dầu mỏ và khí ngưng tụ của Nga trong tháng 4/2021 tăng 2% so với tháng 3/2021, lên 10,46 triệu thùng/ngày, xuất khoảng 7,3 triệu thùng/ngày. Nga sở hữu 40 nhà máy lọc dầu với tổng công suất chưng cất dầu thô là 5,5 triệu thùng/ngày tính đến ngày 1/1/2015. Doanh thu từ xuất khẩu dầu thô và các sản phẩm xăng dầu chiếm khoảng 54% tổng doanh thu xuất khẩu của Nga. Novorossiysk là cảng xuất khẩu xăng dầu chính của Nga trên bờ Biển Đen với công suất hơn 1 triệu thùng/ngày.

Việc giá dầu thế giới không ngừng tăng sau hàng loạt lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây với Nga càng cho thấy vai trò của nguồn cung dầu từ nước Nga. Những ngày đầu tháng 3/2022, giá dầu thế giới được cho đang ở mức cao nhất trong vòng 14 năm qua. Chưa hết, JP Morgan dự đoán giá dầu thế giới có thể đạt kỷ lục 185 USD/thùng vào cuối năm 2022 nếu sự gián đoạn đối với nguồn dầu mỏ của Nga tiếp tục kéo dài. "Các lệnh trừng phạt nghiêm khắc sẽ khiến Nga tổn thất lớn, nhưng cũng khiến châu Âu phải chịu thiệt hại", Adam Tooze - Giám đốc Viện nghiên cứu châu Âu tại Đại học Columbia cho biết.

Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố lệnh cấm nhập khẩu dầu thô Nga tại Phòng Roosevelt, Nhà Trắng ngày 8/3/2022. Tuy nhiên, lệnh cấm này dường như vẫn không mấy “xi nhê” đến Nga. (Ảnh: AP)

Ngoài dầu mỏ, khí đốt, Nga còn có rất nhiều sức mạnh tài nguyên khác khiến thế giới phải e dè. Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường Nga từng lên tiếng cho biết Nga là một trong những nước giàu nhất thế giới về tài nguyên khoáng sản. Theo RT, Nga sở hữu trữ lượng lớn dầu mỏ, khí thiên nhiên, gỗ và các khoáng chất quý như đồng, kim cương, chì, kẽm, bauxite, nickel, thiếc, thủy ngân, vàng và bạc. Theo các con số thống kê, nguồn tài nguyên thiên nhiên của Nga có giá trị ước tính đạt 75.000 tỷ USD. Trong khi đó, nguồn tài nguyên thiên nhiên của Mỹ chỉ đạt khoảng 45.000 tỷ USD và của Trung Quốc là 23.000 tỷ USD. Nga hiện nằm trong nhóm ba nhà sản xuất các kim loại quý hàng đầu thế giới như bạch kim, vàng và quặng sắt. Nga cũng là nhà sản xuất than lớn thứ năm trên thế giới với trữ lượng khoảng 175 tỷ tấn. Ngành đánh bắt thủy hải sản của Moscow hiện đứng thứ tư trên thế giới. Ngành công nghiệp khai thác gỗ cũng mang lại cho Nga hằng năm khoảng 20 tỷ USD.

Sức mạnh khiến các cường quốc phải đau đầu

Và cường quốc đau đầu nhất trước sức mạnh của “trạm xăng dầu thế giới” không ai khác là Mỹ, bất chấp một “thực tế éo le” là Mỹ hầu như không sử dụng dầu Nga, rất ít dầu Nga được đưa sang Mỹ (thời điểm tháng 12/2021 chỉ khoảng 90.000 thùng dầu), phần lớn dầu của Nga được xuất khẩu sang châu Âu và châu Á. Thế nhưng, không giao thương chung đụng về mặt hàng xăng dầu quá nhiều nhưng những tác động từ “trạm xăng dầu thế giới”, gần nhất và điển hình nhất là xung đột Nga - Ukraine vẫn cứ tác động mạnh đến nước Mỹ, cụ thể vẫn khiến giá xăng dầu tại Mỹ tăng vọt.

Nhưng éo le, oái ăm ở chỗ là trong một thế giới phẳng, toàn cầu hóa, vấn đề không nằm ở chỗ quốc gia nào chịu ảnh hưởng lớn nhất. Với giá dầu, rất đơn giản, nếu châu Âu mua ít dầu của Nga hơn, họ sẽ tìm cách thay thế bằng dầu từ một nguồn cung khác, chẳng hạn Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC). Và một khi cung hơn cầu thì một lẽ đương nhiên… nhu cầu đối với dầu từ OPEC tăng cao thì sẽ khiến đẩy giá dầu lên cao. Trong khi đó, vẫn éo le là, Mỹ mua hàng trăm triệu thùng dầu từ OPEC, ảnh hưởng ngay từ đây chứ đâu. Điều éo le nữa cho Mỹ là OPEC+ (OPEC và các đồng minh) lại ương ngạnh và “khôn lỏi” cương quyết không tăng sản lượng, cũng chỉ với mục tiêu là “ép tăng giá”. Mà đồng minh ở đây dĩ nhiên là không thể thiếu Nga bởi Nga cũng là một trong các thành viên của OPEC+. “Một công đôi việc”, thế nên ngay cả khi giá xăng tăng vùn vụt, thế giới kêu gào về tăng sản lượng dầu thì OPEC+ vẫn “bình chân như vại”, thậm chí duy trì sản lượng ở mức thấp.

Châu Âu đau đầu tìm nguồn thay thế khí đốt Nga. (Ảnh: RT)Cũng bởi tình thế liên quan tới tiền bạc này mà nhiều cường quốc, dù chẳng mấy “ưng cái bụng” với Moscow nhưng lại thường xuyên tỏ ra khá ngại ngần, e dè, chần chừ khi được bàn tới việc cắt nguồn dầu từ Nga, ngay cả một số nước thành viên NATO vốn đang nỗ lực thể hiện với Mỹ như một mặt trận thống nhất. Đơn cử như hồi đầu tháng 3, khi cả Mỹ và Liên minh châu Âu đã thông báo hôm 8/3 về kế hoạch cắt giảm 2/3 lượng khí đốt nhập khẩu từ Nga trong năm nay và tiến tới ngừng hoàn toàn phụ thuộc vào dầu khí Nga thì một số quốc gia châu Âu như Đức, Hà Lan vẫn tuyên bố không có ý định ngay lập tức đóng các đường ống dẫn dầu với nước Nga. Điều này cũng có lý do của nó khi hai nước này nhập tới hơn 30% dầu thô từ Nga.

Một giải pháp khiến “trạm xăng dầu thế giới” đến nay vẫn giữ thế trước châu Âu còn là bởi chuyện tìm kiếm nguồn cung cấp xăng dầu khác hay nguồn năng lượng thay thế vẫn là bài toán nan giải. Thủ tướng Đức Olaf Scholz từng tuyên bố các nguồn năng lượng nhập khẩu từ Nga vẫn là thiết yếu với châu Âu và rằng châu lục này vẫn chưa thể đảm bảo nguồn năng lượng thay thế. Để thay thế nguồn cung năng lượng từ Nga, châu Âu trước mắt được cho là phải chuyển hướng sang sử dụng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) từ Mỹ. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, các chuyên gia cho rằng sẽ không có đủ LNG để đáp ứng tất cả nhu cầu năng lượng ở khu vực này, việc tìm kiếm nhập khẩu LNG từ Qatar hay từ các nước khác hiện cũng chưa khả thi. Nhiều nước như Italy đang xem xét việc tăng nguồn cung cấp khí đốt từ Algeria nhưng đây cũng không thể là chuyện một sớm một chiều. Và trong khi mọi chuyện vẫn còn ở thì tương lai, thì như một lẽ đương nhiên, “trạm xăng dầu của thế giới” vẫn cứ nắm giữ sức mạnh của mình./.

Không chỉ là “trạm xăng dầu”, Nga còn là “trạm lương thực” của thế giới. Năng suất cao và chi phí sản xuất tương đối thấp đã giúp Nga chiếm lĩnh thị phần xuất khẩu lúa mì và trở thành nhà cung cấp lúa mì lớn nhất thế giới, cung cấp lúa mì cho hơn 130 quốc gia. Cùng với Ukraine, hai quốc gia này đóng góp 1/4 tổng kim ngạch xuất khẩu lúa mì toàn cầu. Cụ thể, theo tờ Economic Times, Nga và Ukraine chiếm khoảng 29% sản lượng lúa mì, 19% sản lượng ngô và 80% dầu hướng dương xuất khẩu toàn cầu. Theo thống kê của Công ty Nghiên cứu thị trường Refinitiv, khoảng 70% lượng lúa mì của Nga trong năm 2021 vừa qua là phục vụ thị trường Trung Đông và châu Phi. “Ngũ cốc của Nga có chất lượng tốt đến mức năm này qua năm khác đã giúp họ mở thêm nhiều thị trường mới” - Georgy Slavov, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu nền tảng của công ty môi giới Marex Spectron của Anh nhận định. 

Hà Anh

 

Bình luận

    Chưa có bình luận