Xuất khẩu sang EU chưa tương xứng với tiềm năng

  • 07/10/2021 12:34:41
  • Ánh Phương
  • Kinh tế
  • 0

Sau 1 năm thực thi, Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) đã đem lại những 'trái ngọt', tạo cơ hội để Việt Nam mở rộng xuất khẩu, thu hút đầu tư và tham gia sâu rộng hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu… Song, xuất khẩu sang EU chưa tương xứng với tiềm năng.

 

Một năm hái quả ngọt từ Hiệp định EVFTA

Là một FTA thế hệ mới có tiêu chuẩn cao, toàn diện, mức độ cam kết sâu và rộng, đồng thời vẫn đảm bảo sự cân bằng lợi ích cho cả hai bên, Hiệp định EVFTA được đánh giá có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy mối quan hệ kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và EU. Một năm sau khi thực thi, Hiệp định đã đem lại những “trái ngọt” ban đầu và là động lực mạnh mẽ để thúc đẩy quan hệ hợp tác Việt Nam - EU trong thời gian tới.

Phát biểu tại Phiên họp lần thứ nhất của Ủy ban Thương mại Hiệp định EVFTA, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu kiêm Cao ủy Thương mại Liên minh châu Âu Valdis Dombrovskis đã đánh giá cao việc triển khai có hiệu quả Hiệp định EVFTA sau gần một năm Hiệp định có hiệu lực. Thương mại giữa hai bên đã tăng đáng kể và tiếp tục phát triển theo xu hướng tích cực… Hiệp định này không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp giữa mà còn góp phần thúc đẩy những giá trị về xã hội cho cả hai bên.

Còn ông Lương Hoàng Thái - Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương - chia sẻ thêm, EVFTA đã đem lại cho Việt Nam nhiều lợi ích từ việc dỡ bỏ thuế quan, xúc tiến đầu tư, thúc đẩy công nhận lẫn nhau về tiêu chuẩn, cải thiện quy tắc xuất xứ và chứng nhận xuất xứ; cải thiện môi trường, tạo thuận lợi thương mại - hỗ trợ kỹ thuật tăng cường nhận thức và áp dụng những tiêu chuẩn của thị trường EU… Điều này mang lại nhiều cơ hội để Việt Nam mở rộng xuất khẩu, thu hút đầu tư và tham gia sâu rộng hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu…

Tính riêng 6 tháng đầu năm 2021, tỷ lệ tận dụng ưu đãi thuế EVFTA với hàng xuất khẩu lên đến 29,09%. Nhiều mặt hàng nông, lâm nghiệp xuất khẩu chủ lực của Việt Nam có mức tăng trưởng đáng kể so với cùng kỳ năm 2019, cụ thể như: sản phẩm từ cao su đạt 61 triệu USD tăng 56,91%; gạo đạt 5,2 triệu USD tăng 3,73; sản phẩm mây, tre, cói và thảm đạt 70,5 triệu USD tăng 33,75%; rau quả đạt 63,8 triệu USD tăng 12,5%.

Ông Lương Hoàng Thái khẳng định, tham gia vào EVFTA với một đối tác lớn như EU tạo cho Việt Nam cơ hội tiếp cận nhiều lĩnh vực tiềm năng đi kèm với việc áp dụng công nghệ cao vào sản xuất chế biến nông sản. Việc hợp tác với EU trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao có thể giúp Việt Nam nhận được sự chuyển giao giải pháp công nghệ cao trong nông nghiệp, sản xuất chế biên nông sản, thực phẩm. Ngoài ra, EVFTA là cơ hội để Việt Nam tiếp cận được tiềm năng về vốn, công nghệ của EU.

Trên thực tế, cùng với hàng hóa, FDI của EU là nguồn lực tạo sự đổi mới, tạo sức bật cho nước ta trong việc hội nhập, bằng việc: Mở ra kênh huy động vốn đầu tư quốc tế; thúc đẩy chuyển giao công nghệ; bổ sung hàng cho thị trường nội địa; mở ra nhiều thi trường cho việc xuất nhập khẩu và hội nhập quốc tế; tạo ra động lực và quá trình chuyển đổi từ quốc gia có lực lượng tay nghề thấp sang tay nghề cao.

Xuất khẩu chỉ chiếm 2,2% thị phần EU

Tuy đánh giá cao về kết quả của Hiệp định nhưng không ít chuyên gia cho rằng, xuất khẩu nông sản (XKNS) vào EU chưa tương xứng với tiềm năng của Việt Nam và nhu cầu nhập khẩu của EU. Cụ thể, trong bảng xếp hạng của EU về những đối tác thương mại nông sản, Việt Nam xếp thứ 12 với khả năng cung ứng 2,2% nhu cầu tiêu thụ nông sản của thị trường EU. Như vậy, giá trị và kim ngạch XK hàng nông sản của Việt Nam sang EU vẫn ở mức thấp. Kết quả này xuất phát từ việc XKNS của Việt Nam hiện nay vẫn gặp nhiều khó khăn từ nội tại ngành nông nghiệp Việt Nam, các doanh nghiệp XKNS, chính sách của Nhà nước cũng như từ những nguyên nhân bên ngoài.

Phát biểu tại Hội thảo “Doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh nông sản - hành động tiếp cận EVFTA” diễn ra ngày 5/10, TS. Phạm Đồng Quảng, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ khoa học, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đã chỉ ra các thách thức đối với nông sản Việt Nam khi xuất khẩu vào thị trường EU là sản xuất nhỏ lẻ, phân tán, thiếu liên kết; không có thói quen ghi chép, truy xuất nguồn gốc… Một số ngành chế biến còn phải nhập khẩu đến 65 - 70% nguyên liệu phục vụ chế biến như điều thô nguyên liệu, cá ngừ và cá biển khác; ngoài ra còn nhập khẩu 10% tiêu; tôm từ Ecuador, Ấn Độ để chế biến, tái xuất… Nguy cơ Việt Nam trở thành nơi “đóng dấu”xuất xứ cho hàng Trung Quốc (chuyển sản xuất hoặc gia công đơn hàng từ Trung Quốc sang Việt Nam) làm tăng khả năng bị áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại từ EU…

Cũng tại Hội thảo “Doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh nông sản-hành động tiếp cận EVFTA”,  PGS.TS. Ngô Thị Thuận, nguyên phó trưởng khoa kinh tế, Học viện nông nghiệp Việt Nam đã trích lời ông Lê Duy Minh, Chủ tịch Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp Nông nghiệp Việt Nam và ông Nguyễn Trung Thực, Chủ tịch Hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt-Đức cho rằng, để nâng cao thị phần và giá trị xuất khẩu, giúp DN vượt qua rào cản của thị trường EU, DN cần tổ chức lại sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo các yêu cầu an toàn vệ sinh thực phẩm hàng hóa. DN phải cải thiện nhiều khâu như áp dụng các quy trình tiên tiến và xây dựng hệ thống quản lý như: VietGAP, GlobalGAP, FOS, BAP… Đầu tư đổi mới và nâng cao công nghệ máy móc, công nghệ sản xuất,…vào quy trình sản xuất - vận hành công ty, doanh nghiệp… nhằm cải thiện chất lượng sản phẩm hàng hóa nhằm đáp ứng rào cản kỹ thuật của EU.

PGS.TS. Ngô Thị Thuận, nguyên phó trưởng khoa kinh tế, Học viện nông nghiệp Việt Nam:

So sánh cơ hội của dệt may Việt Nam với 4 đối thủ chính trước và sau EVFTA gồm Trung Quốc, Bangladesh, Campuchia, Pakistan thì chi phí nhân công tại các công ty dệt may ở Bangladesh chiếm khoảng 20% giá vốn, trong khi con số này ở Việt Nam đang từ 26-30%. Chi phí nhân công tại Pakistan, Campuchia cũng thấp hơn Việt Nam. Chuỗi cung ứng nội địa ngành dệt may của các đối thủ cạnh tranh cũng tương đối hoàn thiện hơn so với Việt Nam. Các nhà cung cấp vải nội địa của Trung Quốc trên 70%, Bangladesh gần 62%, Pakistan 44%, trong khi tại Việt Nam, con số này chỉ là 23%. Hiện nay Bangladesh, Campuchia, Pakistan đều có lợi thế về ưu đãi thuế nhập khẩu so với Việt Nam khi xuất khẩu vào EU.

ThS. Hoàng Văn Hoàn, Cục Phát triển doanh nghiệp Bộ Kế hoạch và Đầu tư:

Nhà nước đã có chính sách nhưng hiện các ngành cần đẩy mạnh thông tin để người dân và các doanh nghiệp biết đến, hiểu kỹ và rõ hơn. Có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp về thông tin thương mại thông qua phát triển hệ thống thông tin thị trường, xúc tiến thương mại, tăng cường công tác phân tích, dự báo thị trường và chính sách tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tổ chức thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại và phát triển thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng lưới sản xuất và phân phối ở ngoài nước. Chính phủ cần tiếp tục đàm phán để tháo gỡ rào cản thương mại và rào cản kỹ thuật của các nước đối với hàng NSXK của Việt Nam; Kịp thời cảnh báo các quy định về rào cản và những vấn đề phát sinh đối với NSXK; Thúc đẩy việc công nhận lẫn nhau về kết quả đánh giá sự phù hợp với EU đối với các sản phẩm nông nghiệp; Hướng dẫn doanh nghiệp Việt Nam cách xử lý, thực hiện và rà soát về mặt kỹ thuật khi có yêu cầu về kiểm tra, xác minh xuất xứ từ phía EU, tiếp tục nâng cấp hạ tầng kỹ thuật phục vụ triển khai chứng nhận xuất xứ, nhằm tạo thuận lợi cho quá trình tận dụng ưu đãi của Hiệp định EVFTA.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận