Cựu chủ tịch xã và những cánh đồng hạt giống

  • 31/12/2022 10:52:10
  • Vân Hồng
  • Kinh tế
  • 0

Những thất bại trong quãng thời gian 5 năm khởi nghiệp với cây lúa không làm nản lòng Lương Văn Trường (SN 1989, tại Nghĩa Trung, Nghĩa Hưng, Nam Định) - Chủ trang trại Nông trại Cờ đỏ, Giám đốc HTX Thanh niên Nam Đại Dương. Thay vào đó, là những cải tiến khoa học, kỹ thuật nhằm 'khắc chế' những khó khăn được sinh ra.

 

Nảy mầm từ thực tiễn

Trong đó, phải kể đến Dự án hạt giống nảy mầm sẵn, xuất sắc giành giải nhất Cuộc thi "Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn" năm 2021, và quy trình trồng lúa không cày bừa tuần hoàn dinh dưỡng tại chỗ bước đầu cho hiệu quả.

Những ngày đầu khi bắt tay vào thực hiện mô hình sản xuất lúa sinh thái chàng trai trẻ Lương Văn Trường đầy hăng hái, tự tin bởi hành trang mang theo là những kiến thức học được tại khoa Nông lâm, Trường Đại học Đà Lạt và kinh nghiệm 5 năm làm Phó Chủ tịch UBND xã Lử thẩn, huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai (Dự án thí điểm tuyển chọn 600 trí thức trẻ ưu tú tăng cường về làm Phó Chủ tịch UBND xã, cùng với khát vọng khởi nghiệp nông nghiệp cháy bỏng. Nhưng trời không chiều lòng người, hành trang ấy chẳng là gì với những khắc nghiệt, rủi ro do thời tiết đem lại.

Trường không thể nào quên thất bại vào vụ mùa 2018. Năm ấy mưa nhiều, cứ gieo giống xong trời lại mưa, nước trên ruộng không rút kịp, nên giống chết. Ngâm hạt giống để gieo tiếp thì nước chưa rút, giống lại thối. Và trên diện tích 7ha Trường mất trắng 4 - 5 tấn giống, thiệt hại hơn 1 tỉ đồng.

                Hạt giống nảy mầm sẵn cho sinh trưởng , phát triển không khác gì hạt gieo truyền thống.

Không nản lòng trước thất bại, Trường nhiều đêm thức trắng nghĩ cách để khắc phục bất lợi của thời tiết bởi không chỉ riêng năm 2018 mà năm nào người nông dân cũng gặp khó khăn trong việc vận chuyển mạ từ sân gieo ra đông. Đặc biệt, trong vụ Mùa do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu thường xuyên bị ngập lụt sau khi gieo cấy. “Sau 9 tháng thử nghiệm với nhiều công thức khác nhau, tôi đã cho ra đời quy trình sản xuất hạt giống lúa nảy mầm sẵn. Khi gieo trồng thử nghiệm lúa phát triển hoàn toàn bình thường so với cách làm truyền thống, sản lượng tương đương nhau, khả năng chống chịu sâu bệnh cũng tốt. Cũng từ quy trình này, Trường và cộng sự đã nghiên cứu để áp dụng thành công trên các hạt giống khác như: Ngô, đậu tương, lúa mì, cao lương…”, Trường tâm sự.

Quy trình sản xuất hạt giống lúa nảy mầm sẵn là quy trình sản xuất hạt giống lúa theo phương pháp cho hạt giống nảy mầm sau đó sấy khô trong điều kiện phù hợp để hạt giống về trạng thái “ngủ đông”. Sau đó, hạt giống đóng gói và bảo quản trong điều kiện thông thường (bảo quản từ 6 - 12 tháng mà không ảnh hưởng đến khả năng sinh trưởng của hạt giống). Khi sử dụng, người dùng chỉ việc mang hạt giống ra gieo luôn mà không cần ngâm ủ từ đầu.

Do hạt giống đã được nảy mầm và ngủ trong trạng thái “ngủ đông” nên khi gặp điều kiện thuận lợi, mầm hạt lập tức phát triển thành cây bình thường. Điều này giúp người sử dụng không mất thời gian ngâm ủ (tiết kiệm thời gian từ 3 - 5 ngày so với thông thường). Công nghệ còn ứng dụng được cho hạt giống gần hết hạn sử dụng hoặc quá hạn sử dụng nhưng vẫn còn nảy mầm được, giúp nhà sản xuất hạt giống tiết kiệm chi phí xử lý hàng tồn kho đồng thời nâng cao giá trị hạt giống.

Quy trình trồng lúa không cày bừa tuần hoàn dinh dưỡng tại chỗ có kỹ thuật phù hợp với đặc thù thổ nhưỡng và khí hậu của Việt Nam.

Cũng xuất phát từ thực tiễn sản xuất, phát hiện ra cây lúa hoàn toàn có thể phát triển tốt khi không cày bừa đất, việc không cày bừa có rất nhiều lợi ích, lại giúp giải quyết hàng loạt khó khăn mà người nông dân trồng lúa gặp phải, nên Trường cùng nhóm cộng sự đã nghiên cứu để đưa ra Quy trình trồng lúa không cày bừa tuần hoàn dinh dưỡng tại chỗ có kỹ thuật phù hợp với đặc thù thổ nhưỡng và khí hậu của Việt Nam.

Phù hợp và ứng dụng tốt

Được sự hỗ trợ của Sở NN và PTNT tỉnh Nam Định và cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương, HTX Thanh niên Nam Đại Dương đã phối hợp với hộ nông dân Trần Văn Hòa ở thôn Thượng, xã Minh Tân, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định triển khai xây dựng mô hình trình diễn áp dụng công nghệ hạt giống nảy mầm sẵn trên giống lúa BT7 Thái Bình với quy mô 4ha/mỗi vụ. và mô hình áp dụng công nghệ hạt giống nảy mầm sẵn kết hợp sử dụng hữu cơ khoáng của NPK cao cấp Lâm Thao vào kỹ thuật trồng lúa không cày bừa với diện tích 0,5ha.

Trường cho biết, cứ mỗi kg hạt giống tiết kiệm được 24,564 đồng. Nếu toàn bộ lượng hạt giống sử dụng trên cả nước chuyển sang nảy mầm sẵn. Số tiền tiết kiệm được hơn 17 tỷ đồng. Nếu tính trên quy mô toàn cầu, sẽ tiết kiệm được hàng tỷ đô la mỗi năm. Còn phương pháp trồng lúa không cày bừa chi phí xử lý đất giảm 50% ( giảm 1.300.000đ – 1.500.000đ/ ha), do người dân không phải thuê nhân công, máy móc cày xới trước khi vào vụ. Bên cạnh đó, rơm rạ không bị bị vùi xuống tầng đất sâu và phân huỷ, giảm được khí metan gây hiệu ứng nhà kính và axit gây ngộ độc cho cây. Đất màu không bị rửa trôi, giảm bồi lắng kênh mương, giảm được chi phí nạo vét. Hạn chế cỏ dại trong đất điều kiện và không cần sử dụng thuốc trừ cỏ, thuốc bảo vệ thực vật hóa học rất độc hại và gây thiệt hại lớn về kinh tế.

                 Mô hình giống nảy mầm siêu tốc, cấy lúa không cày bừa của HTX Thanh niên Nam Đại Dương mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Đánh giá về hiệu quả mô hình, đồng chí Nguyễn Sinh Tiến, Phó Giám đốc Sở NN và PTNT cho biết, qua quá trình tìm hiểu, theo dõi, mô hình áp dụng công nghệ giống nảy mầm siêu tốc, mô hình cấy lúa không cày bừa của HTX Thanh niên Nam Đại Dương ở tại 4 huyện: Vụ Bản, Trực Ninh, Nam Trực, Nghĩa Hưng đã mang lại những hiệu quả tích cực. Những diện tích được gieo cấy theo các mô hình trên lúa phát triển bình thường, sản lượng tương đương, khả năng chống chịu sâu bệnh như nhau. Phương pháp này còn giúp nông dân thu nhiều lợi ích như: Không cần ngâm ủ, giống mua về có thể gieo trực tiếp; chủ động thời gian, tránh được thời tiết bất lợi; mầm cây không bị gãy như mầm thóc truyền thống; đặc biệt những sáng kiến này giúp giải quyết vấn đề thiếu hụt lao động nông nghiệp, giảm chi phí, sức lao động cho người nông dân… Việc áp dụng các mô hình này đã mang lại hiệu quả kinh tế cao và Sở sẽ tiếp tục khuyến khích hỗ trợ nhân rộng trong thời gian tới.

Từ thực tế sản xuất trên, HTX Thanh niên Nam Đại Dương còn sản xuất ra sản phẩm gạo mầm tươi dinh dưỡng. “Từ công nghệ sản xuất hạt giống nảy mầm sẵn, tôi đã nảy ra ý tưởng sản xuất gạo mầm tươi, một sản phẩm rất giàu dinh dưỡng. Gạo mầm của tôi là hạt tươi chứ không phải hạt “chết” như những sản phẩm cùng loại, vì thế dinh dưỡng trong hạt gạo được bảo tồn, nhiều hơn”, Trường cho biết.

 Gạo mần tươi giàu dưỡng chất

Hiện HTX có quy mô là 21 ha với 7 thành viên sáng lập. Năm 2021 doanh thu của HTX lên tới 3 tỉ đồng và lợi nhuận đạt tới 1 tỉ đồng; giải quyết việc làm cho 50 -70 lao động. Dự án hạt giống nảy mầm sẵn và và quy trình trồng lúa không cày bừa tuần hoàn dinh dưỡng tại chỗ đã khẳng định những cải tiến khoa học kỹ thuật được sinh ra từ thực tế thì sẽ phù hợp và có ứng dụng tốt.

Lương Xuân Trường, Giám đốc HTX Thanh niên Nam Đại Dương: “Từ một nông trại đơn lẻ, chúng tôi đã liên kết, tập hợp những người cùng chí hướng, cùng đam mê thành lập một hợp tác xã (HTX) liên kết sản xuất. HTX thanh niên Nam Đại Dương được thành lập từ đầu năm 2021, giữa lúc đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó khăn thách thức trăm bề. Với tinh thần “Thanh niên Nam Định vươn ra biển lớn, chúng tôi đã cùng nhau vượt qua thách thức, đón các cơ hội từ khó khăn và sẽ đưa công nghệ ra thế giới”.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận