Chìa khoá giảm nghèo từ những mô hình sinh kế của HTX

Những mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã (HTX) với cách nghĩ, cách làm mới đang từng bước giảm nghèo bền vững, giúp người dân ổn định cuộc sống trên chính quê hương mình.

 

Kinh tế tập thể tạo sinh kế bền vững

Trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, tiêu chí nâng cao thu nhập cho người dân luôn là vấn đề được các cấp, ngành, các địa phương đặc biệt quan tâm, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt. Những năm qua, tại các địa phương đã có nhiều mô hình kinh tế hỗ trợ bà con nông dân xóa đói, giảm nghèo. Trong đó phát triển kinh tế tập thể, HTX được xem là mô hình thành công, giải pháp quan trọng trong công tác xoá đói giảm nghèo bền vững.

Ở huyện Phú Bình (Thái Nguyên) có một HTX nuôi hươu với 90% thành viên là cựu chiến binh. HTX sản xuất giỏi khiến cả chuyên gia Hoa Kỳ cũng tới thăm và nghiên cứu.HTX Trọng Hùng tại xóm Tè, xã Tân Hòa thành lập năm 2017, hiện có 33 thành viên, trong đó hầu hết là những cựu chiến binh. Mô hình nuôi hươu sao lấy nhung tại đây khá hiệu quả, mặc dù chi phí đầu tư con giống ban đầu khá lớn, nhưng hươu là động vật hoang dã nên có sức đề kháng tốt, ít dịch bệnh.

HTX nuôi hươu Trọng Hùng tại xóm Tè, xã Tân Hòa, Thái Nguyên

Ông Ngô Văn Hùng, Giám đốc HTX Trọng Hùng cho biết, hươu sao và loài vật ít bệnh tật, ăn tạp, dễ nuôi, người dân chủ động được nguồn thức ăn sẵn có, không tốn nhiều công chăn sóc. Thức ăn của hươu chủ yếu là cỏ (khoảng 5 - 6kg/con/ngày) và các loại hoa quả như chuối, ổi... (dưới 500g/con/ngày). Ngoài ra, thời gian gần đây, nhiều thành viên HTX còn trồng mía để cho hươu ăn.

“Điều quan trọng là chuồng trại phải luôn thông thoáng, vệ sinh sạch sẽ thì hươu mới phát triển tốt”, ông Hùng chia sẻ.

Thời gian nuôi hươu để lấy nhung tốt nhất là 5 năm, khi đó nhung hươu sẽ đạt trọng lượng tối đa khoảng 8 lạng. Giá nhung năm nay dao động từ 10 - 15 triệu đồng/kg. Nhung chủ yếu lên vào mùa xuân và được thu hoạch vào khoảng từ tháng 2 đến tháng 6 hàng năm. Hiện, HTX đang nuôi hơn 230 con hươu. Mỗi con hươu cho thu nhập từ 12 - 15 triệu đồng mỗi lần lấy nhung, nhờ đó hoanh thu toàn HTX lên tới 3 tỷ đồng/năm.

Ông Nguyễn Mạnh Sơn, thành viên HTX cho biết, cũng như các hộ gia đình khác trong thôn, những năm trước đây, gia đình ông chủ yếu nuôi lợn, nuôi bò nhưng do chăn nuôi nhỏ lẻ, kỹ thuật nuôi còn hạn chế nên dịch bệnh nhiều, đầu ra không ổn định, hiệu quả kinh tế không cao.

Từ ngày tham gia vào mô hình HTX, ông Sơn đã tiếp cận với mô hình chăn nuôi hươu lấy nhung và đã có những thành công bước đầu. “Sau hơn nửa năm chăm sóc, đã có 2 con hươu cho khai thác nhung, với giá bán ra thị trường 2 triệu/1 lạng nhung, mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho gia đình”, ông Sơn cho hay.

Hiện nay, các sản phẩm cao hươu, nhung hươu, thịt hươu sấy, mật ong, rượu... là các sản phẩm chủ lực của HTX Trọng Hùng. Trong đó, cao hươu và thịt hươu sấy đã đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao.

Nhờ sự quan tâm của Đảng ủy, chính quyền và sự đổi mới trong tư duy tổ chức sản xuất mà người dân tại Bắc Kạn đã xây dựng được rất nhiều sản phẩm OCOP tiêu biểu, qua đó tạo sinh kế cho người dân thoát nghèo bền vững.

Điển hình như HTX Tài Hoan ở huyện Na Rì là một trong những HTX tiêu biểu trong việc góp phần phát triển kinh tế tập thể nâng cao đời sống cho người dân nông thôn và đóng góp vào tiến trình xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững ở địa phương và tỉnh.

Chị Nguyễn Thị Hoan, Giám đốc HTX Tài Hoan cho biết, vào cuối năm 2020, được sự hỗ trợ về vốn của Dự án hỗ trợ kinh doanh nông hộ (CSSP) và vốn đầu tư của tỉnh, HTX đã đầu tư xây dựng hệ thống nhà xưởng rộng hơn 5.000 m2 để hoàn thiện dây chuyền tráng miến. Ngoài ra, HTX đầu tư xây dựng nhà màng phơi miến, nhà sấy miến cùng nhiều máy móc, thiết bị hiện đại khác. Với cơ sở vật chất, trang thiết bị được đầu tư xây dựng mới, HTX tập trung sản xuất theo phương pháp hiện đại thay thế cho phương pháp truyền thống.

Hiện nay, HTX tạo việc làm cho khoảng 15-20 lao động địa phương với thu nhập trung bình hơn 6 triệu đồng/người/tháng. Cùng với đó, HTX ký hợp đồng bao tiêu hơn 70ha trồng cây dong riềng đáp ứng nguồn nguyên liệu phục vụ cho sản xuất nên đã tạo việc làm cho gần 500 hộ dân liên kết.

Bắc Kạn là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng sản phẩm OCOP. Đặc biệt, các HTX khi làm chủ thể xây dựng sản phẩm OCOP, được tiếp xúc với cơ chế, chính sách, trực tiếp triển khai, chịu trách nhiệm đã nâng cao năng lực, đáp ứng yêu cầu của thị trường. Một số sản phẩm nông sản đã trở thành hàng hóa, tham gia vào hệ thống bán lẻ hiện đại ở một số thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh...

Vai trò của HTX với công tác giảm nghèo

Hiện nay, cả nước có khoảng trên 29.000 HTX, trên 223.000 tổ hợp tác. Bà Chu Thị Vinh, Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), đánh giá khu vực kinh tế tập thể, HTX đóng vai trò rất quan trọng trong công tác giảm nghèo đa chiều. Phát triển kinh tế tập thể không thể phủ nhận là xu thế tất yếu trong bối cảnh hội nhập quốc tế, phù hợp với kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

                               Sản phẩm của HTX Tài Hoan, Na Rì, Bắc Kạn được khách hàng tin dùng.

Theo bà Vinh, kinh tế tập thể là thành phần kinh tế quan trọng, lấy lợi ích kinh tế là trọng tâm, bao gồm lợi ích của thành viên, tập thể và Nhà nước, đồng thời coi trọng lợi ích chính trị, văn hoá, xã hội, góp phần thực hiện mục tiêu của công tác giảm nghèo.

Khi các thành viên tham gia vào kinh tế tập thể, HTX sẽ được tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập và nâng cao sinh kế cho chính bản thân mình.

Người dân không chi được hỗ trợ về vốn, quy trình canh tác, kỹ thuật chăm sóc, bao tiêu sản phẩm... mà có thể liên kết, thành lập tổ hợp tác, nâng cao hơn nữa là HTX, để hỗ trợ nhau trong công tác sản xuất, hoạt động kinh tế của các hộ gia đình, để giúp các thành viên là hộ yếu thế mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh cũng như là hỗ trợ nhau kỹ thuật sản xuất, kỹ năng quản trị…

Hiện nay, tất cả các chương trình mục tiêu quốc gia đã phân cấp mạnh về địa phương. Địa phương sẽ hoàn toàn chủ động bố trí nguồn lực để hỗ trợ cho các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Bà Vinh cho biết, những năm gần đây, nguồn lực để hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, HTX được lồng ghép trong các chương trình mục tiêu quốc gia. Theo báo cáo về triển khai xây dựng mô hình HTX hoạt động hiệu quả tại địa phương theo đề án thí điểm của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 167: Đề án lựa chọn, hoàn thiện, nhân rộng mô hình HTX kiểu mới hiệu quả tại các địa phương trên cả nước giai đoạn 2021 -2025, hầu hết các địa phương đã lựa chọn ra 5 mô hình HTX hoạt động hiệu quả để đưa vào thí điểm. Địa phương cũng đã chủ động bố trí nguồn lực từ các chương trình mục tiêu quốc gia hoặc từ những nguồn kinh phí, nguồn đầu tư công đã được thông báo về địa phương để hỗ trợ cho các HTX phát triển.

“Khi HTX phát triển, các thành viên HTX sẽ được hưởng lợi và sẽ tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập và giúp ổn định đời sống, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển, góp phần ổn định an ninh của địa phương”, Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác nhấn mạnh.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận