Tiết kiệm để phát triển hạ tầng giao thông

  • 29/02/2024 12:00:00
  • Quang Tuấn
  • Kinh tế
  • 0

Tiết kiệm chi thường xuyên cùng với đầu tư công sẽ là nguồn lực để đầu tư các công trình giao thông, đường bộ cao tốc...

 

Chỉ thị số 01 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường tiết kiệm chi ngân sách Nhà nước nêu rõ, năm 2024 cắt giảm, tiết kiệm 5% ngay từ đầu năm dự toán chi thường xuyên so với dự toán được giao để tăng cho đầu tư cho hạ tầng chiến lược, y tế, giáo dục, biến đổi khí hậu và an sinh xã hội; trong đó đặc biệt quan tâm tới hạ tầng giao thông.

Lợi ích kép

Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ diễn ra trong bối cảnh, ngành giao thông, các bộ, tỉnh, thành đang tích cực triển khai xây dựng hạ tầng giao thông, hiện thực hóa Nghị quyết XIII của Đảng xác định phát triển hạ tầng giao thông là một trong ba khâu đột phá chiến lược, phấn đấu đến năm 2030 có 5.000km cao tốc.

Tại lễ khánh thành cầu Mỹ Thuận 2 vào ngày 24/12/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho hay, trước đây chúng ta phải đi vay 66% để xây dựng cầu Mỹ thuận 1, còn cầu Mỹ Thuận 2 không phải đi vay, tiền của nhân dân của đất nước chúng ta. Thiết kế, thi công cầu Mỹ Thuận 1 hầu hết là thuê nước ngoài, còn cầu Mỹ Thuận 2 thì do chúng ta tự thiết kế, thi công, giám sát. “Suất đầu tư cầu Mỹ Thuận 1 là 5 nghìn USD/m2, còn cầu Mỹ Thuận 2 chỉ 2,4 nghìn USD/m2. Như vậy, chúng ta tiết kiệm được 50%. Chúng ta tự làm thì tạo công ăn việc làm, tạo sinh kế cho người dân…”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói.

Dự án đầu tư xây dựng cầy Mỹ Thuận 2 và đường dẫn hai đầu cầu là một trong 11 dự án thành phần thuộc tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020, do Ban quản lý dự án 7 làm chủ đầu tư.Việc Thủ tướng nhắc lại câu chuyện tiết kiệm khi xây dựng cầu Mỹ Thuận 2 đã gợi mở cho các bộ, ban, ngành, tỉnh, thành phố cần làm việc trách nhiệm, năng động, sáng tạo, cắt giảm, tiết kiệm tối đa, để dành nguồn lực tạo an sinh xã hội, đầu tư hạ tầng, tạo sự lan tỏa, phát triển kinh tế - xã hội.

Nhiều năm qua, Chính phủ đẩy mạnh việc tiết kiệm các khoản chi thường xuyên và đã mang lại những hiệu quả tích cực, các khoản chi cho hội nghị, hội thảo, khánh tiết… đã được cắt giảm, tiết kiệm. Nhiều cuộc họp, hội thảo đã được tổ chức theo hình thức trực tuyến là giải pháp hiệu quả, giúp ban tổ chức và các đại biểu tiết kiệm được thời gian, tiết kiệm về vật chất.

Trên thực tế việc cân đối thu – chi, co kéo, phân bổ chi tiêu ngân sách Nhà nước, bảo đảm sự phát triển cân đối hài hòa giữa các lĩnh vực, các tỉnh thành không phải là công việc dễ dàng. Trong khi đó, theo quy hoạch mạng lưới đường bộ, nhu cầu vốn cho đường bộ cao tốc là rất lớn, giai đoạn 2021-2025 vào khoảng 400.000 tỷ đồng, giai đoạn 2026-2030 vào khoảng 328.000 tỷ đồng. Bởi vậy, trước khi có cơ chế để thu hút nguồn vốn đầu tư kết cầu hạ tầng giao thông thì những việc chúng ta có thể làm được thì làm ngay, đó là tiết kiệm chi tiêu thường xuyên, làm chủ khoa học công nghệ, tiết kiệm thời gian triển khai công việc, tăng năng suất lao động, làm 3 ca 4 kíp, đội nắng, thắng mưa…

Không bàn lùi

Theo báo cáo của Bộ GT-VT, toàn quốc hiện có 34 dự án lớn, 86 dự án thành phần quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải tại 46 tỉnh, thành. Trong đó có 5 dự án đường sắt, 2 sân bay, còn lại là các dự án đường bộ cao tốc và vành đai vùng Thủ đô, vành đai 3 TP Hồ Chí Minh.

Các dự án đường bộ cao tốc tạo không gian phát triển mới cho các địa phương, vùng miền và cả nước.Dự án cao tốc Bắc Nam phía Đông đã hoàn thành 9/11 dự án thành phần giai đoạn 2017 – 2020 và Mỹ Thuận – Cần Thơ theo đúng kế hoạch, nâng tổng số đường bộ cao tốc lên 1.892 km, trong đó riêng năm 2023 là 475 km. Hai dự án còn lại đầu tư theo hình thức BOT, các chủ đầu tư, nhà thầu đang tích cực triển khai để hoàn thành.

12 dự án thành phần giai đoạn 2021 – 2025, năm đầu tiên triển khai còn vướng mắc nhiều về mặt bằng và vật liệu xây dựng, nhưng các chủ đầu tư, nhà thầu đã nỗ lực tổ chức thi công, bám sát tiến độ đề ra…

Chủ trì phiên họp Ban chỉ đạo Nhà nước các công trình trọng điểm ngành giao thông sáng 16/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, năm nay sẽ tăng tốc xây dựng các công trình giao thông trọng điểm, quan trọng của quốc gia, với mức đầu tư vào khoảng 442.000 tỷ đồng.

Thủ tướng nhấn mạnh, chỉ bàn làm, không bàn lùi, khó khăn ở đâu thì ở đó giải quyết, vướng mắc ở cấp nào thì cấp đó phải gỡ, việc giải ngân được 422.000 tỷ đồng cho các công trình hạ tầng giao thông năm 2024 sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng, tạo việc làm, sinh kế cho người dân, tạo không gian phát triển mới cho các địa phương, vùng miền và cả nước.

Tiết kiệm vật chất, tiết kiệm thời gian để đột phá về hạ tầng giao thông là yếu tố quyết định sự phát triển trước mắt và lâu dài.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận