Phòng tránh các bệnh truyền nhiễm

Dịch Covid-19 hiện vẫn là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng quốc tế, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát với các biến thể mới...

 

Theo số liệu báo cáo của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), từ đầu năm 2023, cả nước đã ghi nhận 25.500 ca mắc sốt xuất huyết (tăng 2 lần so với cùng kỳ năm trước), trong đó có 3 ca tử vong. Các địa phương có số ca mắc sốt xuất huyết cao là: TP.HCM, Bình Thuận, An Giang, Đồng Nai, Đà Nẵng, Khánh Hoà. Đối với Covid-19, trong tháng 3/2023 cả nước ghi nhận ghi nhận 384 ca (giảm 8,6% so với tháng 2); tuy nhiên hiện số ca mắc Covid-19 có xu hướng gia tăng từ đầu tháng 4 đến nay. Chỉ tính trong 7 ngày (từ 5-11/4/2023) cả nước đã ghi nhận 639 ca mắc mới. Qua phân tích 639 ca mắc mới đã ghi nhận 193 ca nhóm từ 50 tuổi trở lên (chiếm 30,2%), số ca nhập viện có xu hướng gia tăng và đã có 10 ca nặng. Riêng 3 ngày qua (14, 15, 16/4/2023) đã ghi nhận 2.272 ca mắc mới.

Theo Phó Cục trưởng Y tế dự phòng, Nguyễn Lương Tâm, nguyên nhân tình hình dịch bệnh truyền nhiễm ở nước ta gia tăng thời gian qua là do tình trạng ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, thiên tai, đô thị hoá; tình trạng chủ quan, lơ là, thiếu chủ động, quyết liệt xảy ra tại một số nơi, một số thời điểm; sự vào cuộc của các cấp, các ngành chưa đồng bộ, nhất quán. Trong khi đó, việc hướng dẫn, thể chế hoá, các chủ trương, chính sách thiếu cụ thể, rõ ràng dẫn đến khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện; hạn chế đầu tư, huy động nguồn lực xã hội dẫn đến hệ thống y tế dự phòng, y tế cơ sở chưa theo kịp sự phát triển của xã hội, nhu cầu của người dân; tỷ lệ tiêm chủng một số nơi còn thấp, nhất là vùng sâu, vùng xa, khu vực dân tộc thiếu số sinh sống; tiêm vaccine phòng Covid-19 chưa đạt mong muốn…

Nhận định về tình hình dịch bệnh năm 2023, Phó Cục trưởng Nguyễn Lương Tâm cho biết thêm: Dịch Covid-19 hiện vẫn là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng quốc tế, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát với các biến thể mới; các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, mới nổi tiếp tục xuất hiện và lây lan. Nguy cơ xâm nhập, lây lan của các tác nhân gây bệnh luôn tiềm ẩn; một số bệnh lưu hành như tay chân miệng, sốt xuất huyết..., bệnh truyền nhiễm dự phòng bằng vaccine cũng có nguy cơ gia tăng số mắc; tỷ lệ tiêm chủng mở rộng chưa đạt như mong muốn; số chưa tiêm chủng cao, khả năng miễn dịch giảm.

Do vậy, các giải pháp phòng, chống dịch bệnh thời gian tới cần triển khai công tác thu dung, điều trị bệnh truyền nhiễm tại các cơ sở khám, chữa bệnh; xác định nhu cầu, lập kế hoạch cung ứng vaccine tiêm chủng mở rộng; truyền thông phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm, tiêm chủng vaccine; các biện pháp kiểm soát Covid-19 trong tình hình mới; kiểm soát nhiễm khuẩn, nhất là không để lây chéo trong các cơ sở y tế…

PV

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận