Cảnh báo ngộ độc do ăn nấm

Mặc dù nấm rừng được cảnh báo có nguy cao cơ ngộ độc thực phẩm, nhưng gần đây vẫn còn tình trạng người dân phải nhập viện vì ăn phải các loại nấm này.

 

Mới đây, Trạm Quân dân y kết hợp Đồn Biên phòng A Vao, Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị đã cấp cứu kịp thời 2 trẻ ở xã A Vao, huyện Đakrông nghi bị ngộ độc thực phẩm do ăn phải nấm độc. Đó là 2 chị em ruột (Hồ Thị Soang 9 tuổi và Hồ Thị Sen 6 tuổi), trú tại bản Pa Ling, xã A Vao. Hai chị em được đưa đi cấp cứu trong tình trạng đau bụng dữ dội, nôn mửa. Cán bộ, chiến sĩ quân y của Trạm Quân dân y kết hợp Đồn Biên phòng A Vao đã tiến hành hồi sức cấp cứu, tiêm thuốc trợ tim và truyền dịch cho 2 trẻ.

Được biết, bố mẹ các cháu đi hái nấm về nấu cho cả nhà cùng ăn. Tuy nhiên,  sau khi ăn xong thì chỉ 2 cháu nhỏ bị ngộ độc. Đến chiều hôm sau (ngày 24/4), sức khỏe của 2 trẻ đã ổn định và được cho về nhà.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng A Vao Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị thăm, động viên gia đình nạn nhân.Trước đó, cũng do đi rừng hái nấm về nấu canh với lá lốt, ăn xong 6 người ở huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình đau bụng, buồn nôn... phải nhập viện cấp cứu.

Bác sĩ Lường Thúy Hòa, Phó giám đốc Bệnh viện huyện Mai Châu, cho biết 15 tiếng sau khi ăn nấm rừng (không rõ loại), 4 người trong 1 gia đình có biểu hiện đau bụng, buồn nôn, đi ngoài phân lỏng, được đưa đến bệnh viện. 3 giờ sau, 2 người khác cũng nhập viện với cùng triệu chứng. Người nhà nạn nhân cho biết ngoài nấm rừng, bữa ăn còn có các món như măng, thịt gà, lươn xào tai chua, lòng lợn.

Kíp trực đã truyền dịch, giảm đau, giảm tiết, kháng sinh, thải độc cho các nạn nhân. Đến sáng 20/2, hai trường hợp có dấu hiệu nặng, chuyển Bệnh viện đa khoa tỉnh, sau đó đưa về Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cấp cứu. Tuy nhiên, một trường hợp nam, 37 tuổi đã tử vong.

Gần đây, 3 người trong gia đình chị Thắm ở Lạng Sơn sau khi ăn bữa cơm với nấm hái trong rừng, đã cùng xuất hiện triệu chứng nôn, đi ngoài và phải vào cấp cứu tại Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội. Người em trai 30 tuổi của chị Thắm là trường hợp nặng nhất trong gia đình. Các xét nghiệm tại Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai cho thấy, bố và em trai chị Thắm đều bị tổn thương gan rất nặng. Men gan tăng 100 lần so với bình thường.

Rất khó phân biệt nấm độc nếu chỉ dựa vào hình dạng, màu sắc. (Ảnh minh họa: KT)

Thống kê của Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai, tỷ lệ tử vong do nấm độc có thể lên đến 50%, thậm chí cao hơn, việc điều trị cũng rất tốn kém.

Bác sĩ khuyến cáo, do không thể phân biệt nấm lành hay nấm độc (nếu chỉ dựa vào hình dạng, màu sắc), nên người dân tuyệt đối không hái nấm hoang dại để ăn. Trên thế giới hiện ghi nhận hơn 5.000 loại nấm, trong đó khoảng 100 loài nấm độc - khó phân biệt. Quá trình cấp cứu và điều trị ngộ độc nấm rất tốn kém, tỷ lệ tử vong rất cao (trên 50%). Lịch sử y văn cho thấy nhiều trường hợp tử vong cả gia đình sau khi ăn phải nấm độc. Do vậy, người dân chỉ nên ăn những loại nấm được nuôi trồng, biết chắc chắn chủng loại, nguồn gốc. Trường hợp không may ăn phải nấm nghi độc, cần đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời./.

Thiệu-Giang

 

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận