Thêm hai đội bóng bị 'bức tử' vì bế tắc tài chính

Với khán giả, việc một câu lạc bộ bóng đá ở xứ ta 'dở sống dở chết' vì 'bệnh thiếu tiền' đã không còn quá xa lạ.

 

Dẫu “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” thì vẫn cần nhắc lại căn nguyên này khi mới đây, có tới hai tập thể là Sài Gòn FC và Cần Thơ FC cùng xác nhận không tham dự giải hạng Nhất Quốc gia 2023 .

Trước hết, cần phải thấy rằng, vấn đề “đầu tiên” đã để lại cho làng bóng nước nhà nhiều câu chuyện “cười ra nước mắt”. Chẳng hạn như trước thềm mùa giải 2016, bế tắc tài chính khiến đội bóng nơi cực nam Tổ quốc là Cà Mau FC đứng trước khả năng giải thể và cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam Võ Quốc Thắng đã thân chinh gặp gỡ, tìm lối thoát. Theo gợi ý của ông Thắng, CLB Cà Mau được “hô biến” thành… công ty cổ phần. Theo đó, một số doanh nghiệp địa phương đồng ý cùng “đứng tên” khiến vốn điều lệ tăng vọt. Dĩ nhiên nguồn vốn này chỉ là con số ảo; CLB Cà Mau không hề có sự đột phá nào về tiền tài trợ và hệ quả là bóng càng lăn, khoản nợ lương cầu thủ càng chồng chất.

Còn tại giải hạng Nhì mùa bóng 2020, dưới sự dẫn dắt của nhà cầm quân người Brazil Flavio Cruz, CLB Gia Định đã có một năm thi đấu quật khởi và xuất sắc giành vé play-off. Mà nào chỉ có thế, trong 90 phút tranh chấp suất chơi tại giải hạng Nhất 2021 với đội Công an Nhân dân, CLB Gia Định tiếp tục gây bất ngờ khi vượt qua đối thủ bằng tỷ số tối thiểu.

Nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang! Bởi theo cơ chế của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, nếu giải hạng Nhì hoàn toàn là sân chơi nghiệp dư, không bị bó buộc về các điều kiện kinh tế - tài chính thì giải hạng Nhất lại là các đội chuyên nghiệp cùng không ít “tiêu chí cứng” về nguồn vốn đảm bảo. Đứng trước nguy cơ “tan đàn xẻ nghé”, Gia Định FC đã khiến làng cầu quốc nội “dậy sóng” với đề xuất… không thăng hạng! Trong công văn xin ở lại hạng Nhì năm ấy, Chủ tịch Huỳnh Hoàng Trường cho biết, đội nhà chưa đáp ứng được điều kiện về sân bãi và chưa có các tuyến đào tạo trẻ tham dự các giải vô địch Quốc gia theo nội dung chương V, từ điều 24- 28, Quy chế bóng đá chuyên nghiệp.

Cần Thơ FC không tham dự giải hạng Nhất Quốc gia 2023 .

Trở lại câu chuyện của Sài Gòn FC và Cần Thơ FC. Trên thực tế, “quả bom nổ chậm” mang tên Cần Thơ đã được kích hoạt từ mùa bóng năm trước khi họ liên tục nợ lương cầu thủ. Bằng những nỗ lực phi thường, “người Cần Thơ” đã gắng gượng được đến hết mùa giải 2022 và… chấm hết; không tìm ra nguồn tiền tài trợ đồng nghĩa Cần Thơ FC sẽ phải “làm lại” từ giải hạng Ba ở mùa bóng năm sau. Chung bi kịch với Cần Thơ song “cái chết” của đại diện bóng đá Sài thành dường như có “sáng” hơn một chút khi họ đã tìm được một đối tác để chuyển giao. Nôm na là nếu thỏa thuận được giá cả, suất hạng Nhất của tập thể này sẽ được “bán” cho một địa phương khác - “gỡ được đồng nào hay đồng ấy” trước khi chính thức giải thể.

Nhìn nhận một cách khách quan, chuyện hai CLB nói trên bị “bức tử” chỉ là “cái chết được báo trước”. Thậm chí người ta còn xem đó là giải pháp đúng đắn - họ đã dũng cảm chấp nhận “đau một lần rồi thôi” còn hơn là cứ gắng gượng duy trì một đội bóng luôn thường trực nỗi lo cơm - áo - gạo - tiền.

Chuyện của Gia Định, Cà Mau trong quá khứ; Sài Gòn FC, Cần Thơ FC trước thềm mùa bóng 2023 cũng như rất nhiều tập thể khác hoàn toàn tương đồng về bản chất và một lần nữa tái khẳng định mệnh đề “xưa như diễm”, rằng khi một tập thể không có sự “chống lưng” từ nhà tài trợ cũng đồng nghĩa “án tử” luôn treo lơ lửng trước mặt!

Và quan trọng hơn, người ta đã “ngộ” ra thực tế: Phía sau hào quang của hai chữ “chuyên nghiệp” là vô vàn thách thức mà nhiều địa phương làm bóng đá theo kiểu “thời vụ” không thể vượt qua./.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận