Như Thanh, Thanh Hóa: Thoát nghèo trên vùng đất khó

  • 24/08/2023 10:50:46
  • Gia Bách - Bảo Châu
  • Xã hội
  • 0

Hiện nay, các cấp, các ngành, chính quyền địa phương trong toàn huyện đang tích cực triển khai thực hiện kế hoạch giảm nghèo năm 2023. Trong năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp đã xây dựng chỉ thị, nghị quyết chuyên đề, đề ra các giải pháp thiết thực tập trung lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thành mục tiêu giảm nghèo cho năm 2022, làm tiền đề để tiếp tục chỉ đạo quyết liệt, phấn đấu hoàn thành mục tiêu giảm nghèo của tỉnh trong những năm tiếp theo và đến năm 2025 góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu của cả giai đoạn…

 

Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhân dân...

Như Thanh là huyện miền núi, điều kiện kinh tế - xã hội của người dân còn rất khó khăn; dân số trên 90 nghìn người với 3 dân tộc chủ yếu là Kinh chiếm 56,78%, Mường chiếm 23,43%, Thái chiếm 19,79%, còn lại là các dân tộc khác. Năm 2022 là năm đầu tiên thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025. Huyện Như Thanh đã tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện nghiêm túc, đúng quy trình các chương trình dự án; Đồng thời UBND huyện ban hành các Kế hoạch thực hiện CTMTQG GNBV: Kế hoạch số 160/KH-UBND ngày 14/6/2022 triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn huyện; Kế hoạch số 221/KH-UBND ngày 13/9/2022 giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch số 222/KH-UBND ngày13/9/2022 Kế hoạch truyền thông về Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch số 250/KH-UBND ngày 13/10/2022 giảm nghèo về thông tin; Kế hoạch số 264/KH-UBND ngày 26/10/2022 về truyền thông giảm nghèo...

Mô hình chăn nuôi hiệu quả góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân

Cùng với đó là tập trung cho Đề án phát triển nông lâm nghiệp, tập trung chỉ đạo hiệu quả chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi tích cực và đúng hướng. Các chương trình, dự án được nhà nước hỗ trợ đầu tư đã phát huy hiệu quả, góp phần giúp đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện phát triển kinh tế, từng bước ổn định đời sống và vươn lên làm giàu.

...Để có những trái ngọt

Theo kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2021, toàn huyện Như Thanh còn 2.834 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ: 11,8%; Hộ cận nghèo là 2.724 hộ = 11,4. Bước sang năm 2022, con số đó đã giảm đi đáng kể. Tổng số hộ nghèo năm 2022 là 1.624 hộ = 6,8%; Số hộ thoát nghèo là 1.210 hộ, giảm 5% (Vượt chỉ tiêu tỉnh giao 420 hộ). Hộ cận nghèo còn 1.562 hộ = 6,5%; Số hộ thoát cận nghèo là 1.162 hộ, giảm 4,9%.

Cùng với việc sử dụng tốt các nguồn lực từ các chính sách hỗ trợ giảm nghèo, huyện Như Thanh cũng chú trọng tuyên truyền, vận động để các hộ nghèo phát huy tính tự chủ, nỗ lực vươn lên thoát nghèo. Đây được xem là giải pháp căn cơ, là điều kiện để giảm nghèo nhanh và bền vững.

Phát huy truyền thống yêu nước, có ý chí vươn lên, tích cực tham gia phát triển kinh tế bằng nhiều hình thức để vượt lên trên đói nghèo, làm giàu chính đáng cho bản thân, gia đình, ngày càng nhiều tấm gương về làm kinh tế giỏi được địa phương ghi nhận, bà Trần Thanh Dưỡng ở xã Xuân Phúc là một ví dụ. Trong 5 năm (2018 – 2023), bà Trần Thanh Dưỡng được nhà nước giao16ha đất trồng rừng thời hạn 50 năm và 8ha mặt nước đập lòng hồ Đập Khe Dài. Bà Dưỡng chia sẻ: “Được nhà nước giao đất, tôi mừng ít, lo nhiều. Mừng vì được chính quyền tin tưởng trên diện tích đất rất lớn đó, nhiều hôm ăn không ngon, ngủ không yên. Hơn nữa, vốn không có, lĩnh vực nông nghiệp tôi lại chẳng biết gì. Tôi đã bắt đầu khởi nghiệp bằng việc bới đất nhặt cỏ rồi trăn trở tìm hướng đi”.

Trồng dê và chăn nuôi bò sinh sản là những bước đi đầu tiên của bà Dưỡng. Một thời gian sau, thành quả đầu tiên trong làm kinh tế của bà Dưỡng được đền đáp. Có tiền, bà bắt đầu thuê lao động để mở rộng cơ sở. Trải qua một thời gian dài trồng cây ngắn hạn, lợi nhuận chẳng được bao nhiêu, bà quyết định thay đổi bằng ý tưởng nuôi trai lấy ngọc và nuôi vịt cổ lũng.

Quyết tâm học thêm nghề, bà Dưỡng ra tận Ninh Bình học nghề nuôi trai lấy ngọc. Bà mang về 2000 con trai nuôi thử vàthấy con trai này rất phù hợp với điều kiện khí hậu và phát triển tốt tại địa phương. Đến tháng 6 năm 2022 bắt đầu được thu hoạch và ước đạt 85 triệu đồng/năm.

Để việc nuôi giống vịt cổ lũng đạt kết quả cao, bà Dưỡng đã lên Bá Thước học cách nuôi. Đây là giống vịt rất dễ nuôi, thức ăn của vịt chủ yếu là cây chuối, bã bia, cám ngô. Thời gian nuôi 4 tháng mỗi con được 2kg x100.000đ kg, với 3.000 con thu được 600.000.000đ trừ chi phí được 300.000.000đ.

Gia đình bà còn nuôi lợn rừng: 5 con lợn nái và nuôi 50 con lợn thịt thương phẩm, trừ chi phí, thu nhập từ lợn lãi được 50.000.000đ/năm. Cùng với đó hằng năm bà còn nuôi cá thương phẩm như cá trắm, cá vược, cá rô phi các loại và cho thu nhập khá.

Ngoài ra, để thực hiện tiêu chí xây dựng NTM nâng cao gia đình bà Dưỡng đã xây dựng được mô hình nhà đẹp vườn mẫu. Trong đó có 100 cây dừa xiêm, 50 cây mít thái, 50 cây bưởi diễn, 20 cây ăn quả các loại… Khu vườn của gia đình bà còn trồng 100 hoa hồng cổ Sa Pa và nhiều các loại hoa khác có giá trị mang lại cảnh quan xung quanh nhà Xanh - Sạch - Đẹp - An toàn.

Trong việc trồng rừng, với diện tích lên đến 16ha, gia đình bà Dưỡng đã tạo công ăn việc làm cho 15 lao động thường xuyên với mức lương 5 triệu đồng/ tháng. Thu nhập bình quân hằng năm của gia đình bà Dưỡng đạt 800 triệu đồng.

Không chỉ bà Dưỡng, hiện nay trên khắp đất Như Thanh hàng trăm mô hình làm kinh tế giỏi, vượt qua đói nghèo vươn lên làm giàu trên mảnh đất khó.

Bà Lê Ngọc Hoa, Phó Chủ tịch  UBND huyện, Trưởng BCĐ thực hiện Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững huyện Như Thanh

Bà Lê Ngọc Hoa, Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng BCĐ thực hiện Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững huyện Như Thanh đề nghị: Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội tham mưu kiện toàn BCĐ; giao chỉ tiêu bổ sung cho các xã, thị trấn; đấu mối với công ty, doanh nghiệp giới thiệu việc làm cho người dân trên địa bàn, quan tâm giới thiệu các công ty, đơn vị có uy tín trong xuất khẩu lao động để người dân tham gia xuất khẩu lao động, góp phần nâng cao thu nhập cho gia đình và xã hội. “Từ năm 2022 sẽ đánh giá, bình xét hộ nghèo 6 tháng một lần, để kịp thời có hướng chỉ đạo, góp phần giảm nghèo nhanh và bền vững trên địa bàn huyện” - bà Hoa nhấn mạnh.

Mặc dù đã đạt được những kết quả rất quan trọng trong công tác giảm nghèo, nhưng hiện nay trên địa bàn huyện Như Thanh tỷ lệ hộ nghèo vẫn cao. Do vậy, huyện vẫn tiếp tục xác định giảm nghèo nhanh và bền vững là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Từ đó tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, ưu tiên bố trí nguồn lực của nhà nước và huy động có hiệu quả các nguồn lực xã hội cho công tác giảm nghèo, quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu giảm nghèo đã đề ra.

Mục tiêu cụ thể trong 2023, tỷ lệ hộ nghèo giảm 3,1%, tương ứng giảm 741 hộ nghèo (tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 6,8% xuống còn 3,7% cuối năm 2023, số hộ nghèo dự kiến cuối năm 2023 còn 883 hộ); Tỷ lệ hộ cận nghèo giảm 3,1%, tương ứng giảm 742 hộ cận nghèo (tỷ lệ hộ cận nghèo giảm từ 6,5% xuống còn 3,4% cuối năm 2023, số hộ cận nghèo dự kiến cuối năm 2023 còn 820 hộ). Phấn đấu hoàn thành 100% tiến độ giải ngân kế hoạch vốn được giao trong năm 2023.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận