ĐBQH: Người dân chưa muốn thoát nghèo vì sợ 'nghèo lại hoàn nghèo'

Các ĐBQH cho rằng, nguyên nhân căn cơ mà người dân chưa muốn thoát nghèo là cách làm và chất lượng của các chương trình chưa có sự bền vững...

 

Sáng 30/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.

Phát biểu tranh luận tại hội trường, đại biểu Tạ Văn Hạ (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam) cho rằng, có những người dân chưa muốn thoát nghèo. Mặc dù đánh giá cao 3 CTMTQG trong thời gian qua, song đại biểu Tạ Văn Hạ cho rằng, nguyên nhân căn cơ mà người dân chưa muốn thoát nghèo là cách làm và chất lượng của các Chương trình chưa có sự bền vững, tính bền vững chưa cao cả trước mắt và lâu dài.

“Người dân cảm thấy chưa yên tâm khi thoát nghèo, hết chương trình, hết dự án thì “nghèo lại hoàn nghèo”. Vì vậy, đề nghị cần quan tâm đến cách làm và chất lượng của các Chương trình, phải đảm bảo mang tính bền vững cao, đây mới là căn cơ”, đại biểu đoàn Quảng Nam nói.

Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa (Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên) cũng cho rằng, giảm nghèo bền vững là một thách thức rất lớn. Đại biểu nhấn mạnh, điều quan trọng là ý chí vươn lên của người dân, tự lực cánh sinh để thoát nghèo, ứng phó với mọi hoàn cảnh có thể xảy đến.

“Thực tế cho thấy, có nhiều trường hợp chỉ mong được tiếp tục trong diện hộ nghèo để tiếp tục được hưởng các chế độ, chính sách hỗ trợ, ưu tiên giảm nghèo. Do vậy, cần có sự thay đổi cơ bản về nhận thức để có được chuyển biến thực chất trong vấn đề này”, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa nhấn mạnh.

Về giải ngân cho công tác giảm nghèo, đại biểu tỉnh Phú Yên cho rằng, giải ngân được thực hiện ồ ạt, tuy nhiên, hiệu quả lại chưa đảm bảo. Nguồn ngân sách chưa chắc đến được đúng đối tượng và khó để đo đếm hiệu quả của việc triển khai nguồn lực.

Đại biểu Tạ Văn Hạ (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam).

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định) phát biểu tranh luận cho rằng, nguyên nhân tái nghèo một phần có nguyên nhân từ thiết kế các chương trình giảm nghèo, trong đó có 7 dự án nhưng chưa có dự án cụ thể nhấn mạnh nâng cao chất lượng điều trị và chăm sóc sức khỏe người dân trong các địa bàn khó khăn.

Theo đại biểu Nguyễn Lân Hiếu,qua thực tế giám sát cho thấy, có nguyên nhân trực tiếp dẫn tới tái nghèo là gia đình có người ốm, với những bệnh phổ biến như tiểu đường, cao huyết áp… cần được quản lý và điều trị thường xuyên, nhưng nguồn lực cho y té cơ sở còn hạn chế nên việc điều trị còn nhiều bất cập.

“Không có thuốc tốt để điều trị thường xuyên, không có phương tiện để chăm sóc, kiểm soát các biến chứng cũng như sơ cứu ban đầu. Chính vì vậy, tỷ lệ biến chứng gặp rất cao ở địa phương nghèo; một người thân trong gia đình bị đột quỵ phải lên thành phố chữa bệnh là tất cả tiền dự trữ trong nhà đội nón ra đi; chưa kể phải vay mượn khắp nơi. Ra viện về nhà kèm theo tàn phế không còn khả năng lao động lại là một gánh nặng để gia đình phải chăm sóc…”, đại biểu Lân Hiếu nói.

Đại biểu đoàn Bình Định cho rằng, giảm nghèo phải đồng thời nâng cao chất lượng cuộc sống. Theo đó, đề nghị Quốc hội đặc biệt lưu ý vấn đề này các nguồn lực Bộ Y tế và các địa phương cần tập trung vào dự án chẩn đoán và điều trị bệnh lý không lây nhiễm phổ biến có tỷ lệ tử vong cao; tuyên truyền không mang thai ở vị tuổi thành niên; hỗ trợ chăm sóc những trường hợp trẻ đẻ non di tật bẩm sinh, đặc biệt chú ý đến tiêm chủng và dinh dưỡng, phát triển chuyên ngành lão khoa tại địa phương…

Đối với chương trình giảm nghèo bền vững, các đại biểu cũng đề nghị xem lại các nội dung như đào tạo nghề cho người nghèo, tránh lãng phí và kém hiệu quả. Cần đưa tiêu chí để đánh giá và xét danh sách cộng đồng nghèo để có cơ sở triển khai hỗ trợ cộng đồng đối với những nội dung cần thiết. Cần đánh giá đúng thực trạng về việc giảm nghèo hiện nay đã thực chất hay chưa.

Lê Hoàng/VOV.VN

 

Bình luận

    Chưa có bình luận