Tín hiệu vui với người bệnh dùng BHYT

  • 01/02/2024 01:25:44
  • Hương Giang
  • Xã hội
  • 0

Nghị định 75 đã có các quy định mang tính đột phá, gỡ được các 'nút thắt' vướng mắc trong cơ chế thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT

 

Những điểm mới mang tính đột phá, gỡ “nút thắt” vướng mắc trong cơ chế thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế... là tín hiệu vui cho người tham gia bảo hiểm y tế.

Những điểm mới gỡ nút thắt

Những ngày giáp Tết 2024, một tín hiệu vui với người bệnh khi Bộ Y tế đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 75 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 146 năm 2018. Nghị định 75 đã có các quy định mang tính đột phá, gỡ được các “nút thắt” vướng mắc trong cơ chế thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT để tạo thuận lợi cho công tác khám bệnh, chữa bệnh theo chế độ BHYT, bảo đảm quyền lợi của người tham gia BHYT; bổ sung và hỗ trợ mức đóng BHYT, sửa đổi mức hưởng BHYT và tăng cường vai trò, trách nhiệm của bộ, ngành, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong việc quản lý, sử dụng hiệu quả quỹ BHYT.

TS Hà Anh Đức, Chánh Văn phòng Bộ Y tế cho biết, qua Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khoá XV, Bộ Y tế nhận được 117 kiến nghị của cử tri thông qua 63 đoàn ĐBQH, trong đó, 47% ý kiến về BHYT. Điều này cho thấy mức độ nóng của vấn đề BHYT.

Điểm mới của Nghị định sửa đổi là bổ sung đối tượng là người dân các xã an toàn khu, vùng an toàn khu cách mạng trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ không thuộc đối tượng quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 12 Luật BHYT vào nhóm đối tượng được ngân sách nhà nước đóng BHYT. Bổ sung đối tượng người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại địa bàn các xã không còn thuộc khu vực II, khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021-2025 vào nhóm đối tượng được ngân sách Nhà nước hỗ trợ 70% mức đóng trong thời gian 36 tháng. Cùng với đó, sẽ nâng mức hưởng từ 80% lên 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT cho một số nhóm đối tượng là người có công với cách mạng...

“Đây là các đối tượng người dân tộc thiểu số mới thoát nghèo theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ nhưng trong thực tế vẫn còn đang rất khó khăn, được ĐBQH, UBND một số tỉnh và cử tri phản ánh kiến nghị. Việc quy định ngân sách nhà nước tiếp tục hỗ trợ thêm một thời gian sau khi thoát nghèo để người dân có thể tích lũy và đủ điều kiện kinh tế tham gia BHYT thể hiện chính sách bảo đảm an sinh xã hội, thoát nghèo bền vững của Chính phủ”, ông Hà Anh Đức thông tin.

Từ ngày 1/4/2024, Bộ Y tế sẽ chính thức triển khai sử dụng giấy hẹn khám lại và giấy chuyển tuyến BHYT điện tử. (Ảnh minh họa: H.G)Một trong những nội dung quan trọng là việc thay đổi cơ chế thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT giữa cơ sở khám, chữa bệnh và cơ quan BHXH. Những năm qua, do bất cập trong quy định về tổng mức thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT dẫn đến tình trạng các chi phí KCB trong phạm vi điều kiện, tỷ lệ thanh toán, phạm vi quyền lợi của người bệnh có thẻ BHYT do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cung cấp và không thu tiền của người bệnh mặc dù đã được cơ quan BHXH giám định là các chi phí hợp pháp nhưng do quy định của tổng mức thanh toán, các chi phí này lại bị xem xét lại, không được thanh toán vì lý do vượt tổng mức, làm ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và dẫn đến ảnh hưởng quyền lợi của người bệnh.

“Theo quy định mới, các chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT trong phạm vi quyền lợi được hưởng và mức hưởng của người tham gia BHYT đã được cơ quan BHXH giám định sẽ thuộc phạm vi thanh toán của quỹ BHYT. Cơ chế thanh toán theo thực tế các dịch vụ kỹ thuật, thuốc, vật tư y tế… sử dụng cho người bệnh và mức giá theo quy định hiện hành. Các quy định này sẽ tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về thanh toán chi phí khám bệnh chữa bệnh BHYT giữa cơ sở KCB và cơ quan BHXH, tạo điều kiện cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nâng cao hiệu quả hoạt động và bảo đảm quyền lợi của người bệnh được BHYT”, đại diện Bộ Y tế cho hay.

Sẽ không còn cảnh người bệnh bỏ dở điều trị

Giải quyết những bất cập trong quy định vềquyền lợi của người bệnh liên quan đến vướng mắc khi thủ tục xin giấy chuyển tuyến gây phiền hà, dẫn đến việc nhiều trường hợp mắc bệnh hiểm nghèo sau khi điều trị ở tuyến trên, có lịch tái khám nhưng đành bỏ dở việc điều trị vì không thể xin được giấy chuyển tuyến.

Theo bà Trần Thị Trang, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế), Bộ đã có Chỉ thị 25 ban hành năm 2020, trong đó, các cơ sở phải phân luồng hẹn tái khám. Đồng thời, cũng có các bộ phận thường xuyên đôn đốc các cơ sở khám, chữa bệnh phân luồng hẹn tái khám để không có quá nhiều bệnh nhân dồn ứ trong cùng một thời điểm gây kéo dài thời gian chờ đợi.

Một trong những giải pháp quan trọng Bộ Y tế đang nghiên cứu là có những thủ tục đơn giản hơn trong quá trình cấp giấy chuyển tuyến: “Thay vì lãnh đạo ký thì có thể phân cấp cho các khoa phòng để người dân không phải chờ đợi. Hiện nghị định 75 vừa ban hành cũng đã có quy định liên quan giấy hẹn tái khám, trong đó có các giải pháp như: nếu người bệnh không thể quay lại trong vòng 10 ngày, có thể liên hệ cơ sở khám để có giấy hẹn khác để không phải chờ đợi”.

Từ ngày 1/4/2024, cơ quan bảo hiểm xã hội và các bệnh viện trong cả nước sẽ bắt đầu triển khai việc gửi và nhận dữ liệu điện tử giấy chuyển tuyến bảo hiểm y tế và giấy hẹn khám lại, tiến tới triển khai chính thức trong toàn quốc từ ngày 1/7/2024.

Trước đó, tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11/2023, PGS.TS nguyễn Thị Liên Hương - Thứ trưởng Bộ Y tế thông tin, sau 15 năm ban hành Luật BHYT, tỷ lệ bao phủ BHYT đến nay đã đạt gần 91 triệu người, với khoảng 92% dân số. Số lượt khám chữa bệnh BHYT cũng gia tăng với 150,5 triệu lượt khám chữa bệnh BHYT năm 2022 và quyền lợi của người tham gia BHYT cũng ngày càng được mở rộng. Mỗi năm, quỹ BHYT chi khoảng hơn 110.000 tỷ đồng cho khám chữa bệnh. Nguồn kinh phí do quỹ BHYT chi trả cho chi phí khám chữa bệnh đang chiếm tỷ trọng lớn trong nguồn thu của bệnh viện.

“Có thể nói việc chuyển tuyến và giấy chuyển tuyến có ý nghĩa quan trọng góp phần bảo đảm ổn định, cân đối và bền vững hệ thống KCB và công tác KCB. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện cũng đã phát sinh một số vướng mắc, bất cập như: Quy định đăng ký KCB ban đầu còn nặng về hành chính. Thủ tục chuyển tuyến, cấp giấy chuyển tuyến còn có tình trạng gây phiên hà cho người bệnh, thậm chí có trường hợp phát sinh tiêu cực, xin cho, giữ bệnh nhân lại gây bức xúc”, Thứ trưởng chia sẻ.

Từ 1/1/2021, việc thông tuyến tỉnh trên toàn quốc đối với KCB nội trú cũng tạo ra một số vướng mắc liên quan đến tuyến, vượt tuyến, chuyển tuyến, gây ra tình trạng quá tải trở lại ở tuyến trên và giảm tỷ lệ KCB tại y tế cơ sở. Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương, để đảm bảo chất lượng phục vụ người bệnh cao nhất, Bộ Y tế đã và đang tăng cường chỉ đạo, triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao năng lực và mở rộng phạm vi chi trả BHYT cho tuyến dưới. Trước tiên là áp dụng hình thức giấy chuyển tuyến điện tử để việc cấp giấy chuyển tuyến được thuận tiện, nhanh chóng. Tiếp tục mở rộng danh mục và thời gian cấp phát thuốc BHYT cho tuyến xã đối với một số bệnh mãn tính; cải tiến quy trình cấp giấy chuyển tuyến có thời hạn 1 năm cho một số bệnh mãn tính; cân đối, cải cách các quy định về chuyển tuyến. Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động quản lý chất lượng xét nghiệm và xây dựng các bộ tiêu chí đánh giá, kiểm định chất lượng lâm sàng giúp nâng cao chất lượng chuyên môn, rút ngắn thời gian điều trị, tiết kiệm chi phí và thời gian của người bệnh./.

Ngày 19/10/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 75/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17 tháng 10 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế. Nghị định đã có các quy định mang tính đột phá, gỡ được các “nút thắt” vướng mắc trong các cơ chế thanh toán chi phí khám chữa bệnh, bổ sung mức hưởng BHYT... bảo đảm quyền lợi cho người tham gia BHYT.

 

Hương Giang

 

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận